Đón đọc Tia Sáng số 18 năm 2021

Trong niềm vui bắt đầu trở lại với nhịp sống cũ, mời các bạn trở lại “gian báo” Tia Sáng, nơi ấn phẩm Tia Sáng dưới hình thức báo in và PDF đang sẵn sàng chờ các bạn.

Tia Sáng số mới chào bạn đọc,

Trong niềm vui bắt đầu trở lại với nhịp sống cũ, mời các bạn trở lại “gian báo” Tia Sáng, nơi ấn phẩm Tia Sáng dưới hình thức báo in và PDF đang sẵn sàng chờ các bạn.

Thật khó có thể tưởng tượng bằng giải pháp nào đó, cô đặc không – thời gian và gói ghém tất cả những gì diễn ra không thể đảo ngược trong quá khứ vài trăm năm, những ngổn ngang xáo trộn của hiện tại và cả những gì bất định có thể diễn ra trong tương lai đến. Nhưng gần 60 trang nội dung số báo này của Tia Sáng đã có đủ những điều đó.

Vậy chúng ta có thể đọc gì ở số báo này?

Đó là một góc nhìn về con người – bệnh dịch, con người – thảm họa khi những thiên tai, dịch bệnh không chỉ thử thách sức đề kháng và chống chịu của con người sinh học mà còn là chất thử đối với con người xã hội, kinh tế và quản trị đất nước.

Theo góc nhìn đó, chúng ta có thể cùng TS. Nguyễn Sĩ Dũng nghiền ngẫm về “Quản trị nhà nước trong thời sống chung với COVID-19” thời kỳ hậu đại dịch. “Thực ra, phòng chống dịch COVID là một công việc rất mới và rất khó. Chúng ta cần phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, vừa điều chỉnh các giải pháp của mình cho kịp thời. Để làm được điều này, quan trọng là cần phải tổ chức thu thập dữ liệu cho đầy đủ, khách quan. Đồng thời, cần tiếp cận nhanh chóng thông tin, dữ liệu và tri thức của thế giới trong phòng chống dịch”.

Những gì diễn ra tại TPHCM, nơi đang gồng mình trước sức công phá của làn sóng COVID thứ 4 cho thấy một điểm sáng của các nhà quản lý: thẳng thắn đối thoại với người dân, không chỉ để chia sẻ mà còn lắng nghe phản hồi từ người dân. Những buổi livestream chính sách như vậy đã trở thành điểm kết nối vô cùng quan trọng chính quyền – dân chúng và đem lại kinh nghiệm cho các quyết sách tương lai.

Tuy nhiên, trong bối cảnh “nước sôi lửa bỏng” đại dịch, không hẳn lúc nào chính sách của các nhà quản lý cũng hiệu quả như mong muốn. Giáo sư Klaus Krickeberg đã đưa ra những nhận xét trong “Kiểm soát dịch COVID-19: Câu chuyện của Việt Nam và Đức”. Đây sẽ là những điều chúng ta cần thận trọng để kiểm soát dịch bệnh trước khi đại dịch lui ‘Những yếu tố khiến COVID-19 bùng phát một mặt nó là sự thiếu chuẩn bị và thiếu một cơ chế để xác định và áp dụng những chỉ dẫn phòng dịch rõ ràng. Mặt khác, những kiểm soát cần thiết bị gỡ bỏ để vừa lòng một bộ phận người dân”.

Trong quá khứ, Việt Nam đã từng hứng chịu nhiều thiên tai dịch bệnh. Qua “’Cái chết xanh’: Việt Nam trong làn sóng thiên tai dịch bệnh 200 năm trước”, nhà nghiên cứu Trần Thị Xuân mở ra cho chúng ta một bức tranh về “một giai đoạn sóng gió theo đúng nghĩa đen với Việt Nam, khi mà chúng ta hứng chịu liên tiếp thảm họa tự nhiên và ngay sau đó là đại dịch tả cướp đi sinh mạng của 4-5% dân số thời kỳ này”. Hậu quả của dịch bệnh không chỉ là mạng người mà còn là sự chèo chống khốn khổ của triều Nguyễn nhằm chặn đứng nạn đói do mất mùa… Thật trăm cay ngàn đắng!

Nhìn về tương lai, không chỉ nguy cơ dịch bệnh mà nguy cơ thiên tai đã hiển hiện. Đó là câu chuyện về “TP.HCM: Giữa vòng vây biến đổi khí hậu” với hai trong số rất nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu: sụt lún đất và nước biển dâng. Đó là một ảnh hưởng không thể đảo ngược, nếu chúng ta không có giải pháp hữu hiệu nào.

Đến đây, chắc hẳn có người đã than rằng “liệu còn gì hi vọng ở tương lai?”. Ồ không, chúng ta còn nhiều hi vọng chứ, nếu tất cả những gì chúng ta có ngày hôm nay và chuẩn bị cho tương lai, đều đặt dưới sự dẫn đường của các quyết sách dựa trên bằng chứng khoa học. Những điều đó gợi mở ngay từ “Công nghệ mở trong các cơ sở văn hóa và giáo dục” (Lê Trung Nghĩa), “Lịch sử trắc trở và vinh quang của vaccine công nghệ mRNA”, “Hành trình phát triển công nghệ vệ tinh – (Phần 4): Tăng tốc vào không gian”…

Ngoài ra, như thường lệ, là những gam màu tươi tắn “Thư viện nửa đêm: Hằng số của hiện tại” (Hiền Trang), “Di sản mùi hương châu Âu: Khi hương vị gợi mở đường về quá khứ”, “Về chữ viết tay của Einstein”, ‘Elisabeth Schwarzkopf: Giọng ca thiên thần của opera và lieder”…

Bạn đọc có thể đăng ký mua bản giấy, bản PDF và đọc thử các số trước tại đây: https://bit.ly/DatmuaTiaSang

Tác giả