Quỹ Nafosted: Cần duy trì được môi trường nghiên cứu liên tục

Kể từ khi đi vào hoạt động, Quỹ Nafosted đã góp phần tạo ra một môi trường nghiên cứu khoa học nghiêm túc và lành mạnh theo chuẩn mực quốc tế - cơ sở quan trọng để các nhà khoa học Việt Nam theo đuổi con đường nghiên cứu. Tuy nhiên, theo kiến nghị của nhiều thành viên của các hội đồng khoa học ngành khoa học tự nhiên và kỹ thuật trong phiên họp ngày 26/1 vừa qua, nhằm làm tốt hơn nữa vai trò của mình, Quỹ cần tiếp tục đổi mới quy trình xét duyệt để có thể duy trì được một môi trường nghiên cứu liên tục.

GS. TS Đinh Dũng nêu một trong những điểm sáng của Quỹ Nafosted là tạo điều kiện để các hội đồng khoa học ngành xét duyệt đề tài trên cơ sở khoa học.

Thương hiệu Nafosted

Hầu hết các thành viên tham dự phiên họp đều cho rằng, Quỹ Nafosted đã có nhiều đóng góp quan trọng cho khoa học Việt Nam. Thông qua hoạt động hỗ trợ và tài trợ cho các ngành khoa học cơ bản của Quỹ Nafosted, số lượng công bố quốc tế của Việt Nam đã gia tăng: theo dữ liệu ngày 30/11/2017 của ISIknowledge, năm 2017, Việt Nam có 857 công bố (vào thời điểm trước khi Nafosted tài trợ, số lượng này ở Việt Nam rất thấp, ví dụ năm 2009 chỉ có 45 công bố. “Các nhà khoa học Việt Nam cũng tham gia và báo cáo tại những hội nghị quốc tế chuyên ngành cũng tăng lên”, GS. TS Nguyễn Đông Anh, thành viên hội đồng ngành Cơ học và kỹ thuật, nhận xét.

Những tác động đáng kể vào đời sống khoa học Việt Nam mà Nafosted đem lại không chỉ ở việc gia tăng số lượng bài báo quốc tế mà còn ở việc tạo ra môi trường nghiên cứu khoa học nghiêm túc và lành mạnh theo chuẩn mực quốc tế. GS. TS Nguyễn Đông Anh nhấn mạnh, đây là điểm sáng trong hoạt động quản lý khoa học của Bộ KH&CN và Quỹ Nafosted. Theo ông, “ở Việt Nam vẫn còn tồn tại dư luận không tốt về khoa học, về thành viên của nhiều hội đồng khoa học. Riêng Quỹ thì khác, các hoạt động tài trợ của Quỹ đều dựa trên sự tư vấn và xét duyệt của các hội đồng ngành Bản thân các hội đồng ngành cũng được lựa chọn [một cách] khách quan dựa trên uy tín khoa học cũng như sự giới thiệu của cộng đồng khoa học. Không ít nhà khoa học bị ảnh hưởng của cơ chế tiêu cực cũng muốn bon chen nhưng đều bị loại bỏ”.

GS. TS Đinh Dũng, thành viên hội đồng ngành CNTT và khoa học máy tính, bổ sung thêm về hoạt động của các hội đồng ngành, “hội đồng khoa học xét duyệt đề tài trên cơ sở khoa học và cách làm việc hoàn toàn dân chủ và minh bạch”.

Trong môi trường học thuật nghiêm túc và minh bạch đó, việc thực hiện đề tài do Nafosted tài trợ đã trở thành một trong những tiêu chí đánh giá năng lực nhà khoa học. PGS. TS Nguyễn Ngọc Châu, thành viên hội đồng ngành Sinh học – nông nghiệp, nói, “nhiều trường, viện đã coi việc thực hiện đề tài Nafosted như ‘nghĩa vụ quốc gia’, việc đánh giá nhà khoa học có hoàn thành nhiệm vụ trong năm hay không cũng gắn liền với việc có hoàn thành đề tài Nafosted hay không, thậm chí nếu hết thời hạn hợp đồng mà không nghiệm thu được thì cũng bị khiển trách, kỷ luật”.

Thông qua các công bố được xuất bản trên các tap chí quốc tế từ đề tài do Quỹ Nafosted, các nhà khoa học đã có thể chứng minh được “người Việt Nam có thể làm việc một cách đàng hoàng không thua kém đồng nghiệp quốc tế”, GS. TS Nguyễn Đông Anh cho biết.

Khoảng trống thời gian giữa hai đề tài

Trong quá trình hoạt động tài trợ cho nghiên cứu khoa học và mở rộng quan hệ hợp tác với những quỹ quốc tế khác, Nafosted đã không ngừng đổi mới quy trình quản lý, ví dụ như áp dụng các phương thức tiếp nhận đánh giá, phản biện trực tuyến góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí trong đăng ký và triển khai đề tài nghiên cứu… Dẫu vậy những đổi mới này vẫn chưa còn chưa đủ, theo nhận xét của nhiều nhà khoa học có mặt tại phiên họp.

GS. TS Ngô Việt Trung, thành viên hội đồng ngành Toán học, đã đề cập đến hiện tượng xuất hiện trong vài năm gần đây: sau khi được nghiệm thu một đề tài, một nhà nghiên cứu phải chờ đến hàng năm mới có thể bắt đầu đề tài tiếp theo. Với những lĩnh vực nghiên cứu cơ bản như toán học, hầu hết các cán bộ đều phải trông vào đề tài Nafosted để có kinh phí thực hiện, “chúng tôi động viên cán bộ trẻ theo mình thực hiện đề tài, [khi đó] mình phải nghĩ đến việc phải làm như thế nào đảm bảo [được] thu nhập cho họ. Việc chậm 6 tháng bản thân tôi đã thấy sốt ruột rồi”.

Hậu quả của những khoảng trống giữa hai đề tài như thế này, theo ông, “làm nhà khoa học thiệt thòi, làm họ khó được nghiệm thu đề tài, đáng nhẽ là đúng hạn rồi nhưng vì [công bố] rơi ra ngoài thời hạn ký hợp đồng nên không được nghiệm thu”.

Không chỉ nêu lên hiện tượng đáng tiếc làm tạo ra “khoảng thời gian chết giữa hai đề tài và dẫn đến môi trường nghiên cứu không liên tục” như nhận xét của GS. TS Nguyễn Đông Anh, các nhà khoa học còn đề xuất những giải pháp, những cách làm để rút ngắn thời gian chờ đợi của nhà khoa học. GS. TS Đinh Dũng cho rằng “hoàn toàn có thể giải quyết được điều bất cập trong cơ chế quản lý này của chúng ta bằng [việc áp dụng] một quy trình mới, qua đó rút ngắn quy trình phê duyệt”.

Một giải pháp thiết thực khác trong tầm tay của Quỹ Nafosted là “triển khai phê duyệt những đề tài lớn hơn, khuyến khích những đề tài dài hơi hơn, có thể là 4 năm thay vì hai năm như trước”, theo đề xuất của GS. TS Nguyễn Đông Anh.

Trước những ý kiến đề xuất của các nhà khoa học, TS. Đỗ Tiến Dũng, giám đốc điều hành Quỹ Nafosted cho biết, Quỹ sẽ tiếp thu và hoàn thiện các quy trình phê duyệt để rút ngắn “thời gian chết”. Nguyên nhân dẫn đến việc để xảy ra hiện tượng này, theo giải thích của ông là nguồn nhân lực cũng có hạn trong khi Quỹ cũng có nhiều hoạt động khác. Tuy nhiên để khắc phục tình trạng này, một trong những biện pháp mà Quỹ đã bắt đầu triển khai là tập trung đầu tư cho các nghiên cứu dài hạn. Năm 2017, Quỹ đã xác định được bốn nhóm nghiên cứu ban đầu để triển khai thí điểm, với việc “không giới hạn kinh phí và thời gian thực hiện”. Trong thời gian tới, Quỹ sẽ cố gắng rút ngắn thời gian xuống còn 8 tháng, mặc dù rất muốn đáp ứng được yêu cầu của các nhà khoa học từ 3 dến 6 tháng.

Có mặt tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh nhận định, Quỹ Nafosted cần ưu tiên xử lý hiện tượng này và tìm bằng được giải pháp tháo gỡ. “Bộ KH&CN sẽ cố gắng giải quyết những việc thuộc thẩm quyền của bộ để có thể đem lại những điều kiện tốt nhất cho các nhà khoa học yên tâm làm việc”, Bộ trưởng cho biết.

Quỹ Nafosted đã nhận được 274 hồ sơ đề nghị tài trợ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật năm 2018 đợt 1. Ngành có số hồ sơ nhiều nhất là ngành Vật lý với 70 hồ sơ, chiếm 25.7% tổng số hồ sơ đợt này, ngành có số hồ sơ ít nhất là ngành Toán học với 9 hồ sơ; số hồ sơ từ các trường đại học chiếm 66.54%, gấp 3 lần số hồ sơ đến từ viện nghiên cứu; số hồ sơ đề nghị tài trợ từ các nhà khoa học trẻ (chủ trì đề tài) dưới 35 tuổi chiếm 37,87%.

 

 

Tác giả