Tọa đàm “Vì sao quá trình văn tự Latinh hóa tiếng Việt thành công?”

Chúng ta thường nghĩ, so với các nước khác trong khu vực, Việt Nam là trường hợp hiếm hoi ghi âm tiếng Việt bằng chữ Latinh và phổ cập thành công. Cập nhật ngày 29/1: Do tình hình dịch bệnh có diễn biến mới, xuất hiện các ca lây nhiễm trong cộng đồng, BTC xin thông báo tạm hoãn tọa đàm. Chúng tôi sẽ thông báo mở lại tọa đàm khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.


Trang đầu tiên của cuốn từ điển Việt – Bồ – La do Alexandre de Rhodes viết. 

Có ý kiến cho rằng điều đó cho thấy tính chất đặc biệt của ngôn ngữ tiếng Việt so với các ngôn ngữ khác trong khu vực, đặc biệt là so với Hán ngữ.

Tuy nhiên trên thực tế, Hán ngữ và các ngôn ngữ khác ở trong khu vực đều đã từng được ghi âm bằng chữ cái Latinh thành công nhưng các chữ viết này đã không được lựa chọn trở thành chữ viết chính thức. Điều đó đặt ra câu hỏi, liệu chữ Quốc ngữ trở thành văn tự chính thức có thực sự là do tính chất ưu việt của tiếng Việt hay do nguyên nhân đặc thù nào khác?

Để phần nào giải đáp câu hỏi trên, chúng ta sẽ cùng nhìn lại trường hợp tưởng “riêng” mà lại thấm đẫm cái “chung” của chữ quốc ngữ, cùng phân tích quá trình lịch sử sáng tạo, phổ biến chữ Quốc ngữ trong bối cảnh của khu vực và thế giới, từ đó tìm ra những điều kiện văn hóa, lịch sử, chính trị tác động lên quá trình này.

Tại buổi tọa đàm “Vì sao quá trình văn tự Latinh hóa tiếng Việt thành công?”, diễn giả Phạm Thị Kiều Ly sẽ tập trung giải thích lịch sử quá trình ghi âm của tiếng Việt, đặt trong cái nhìn so sánh đối chiếu với quá trình ghi tiếng nói ở các nước trong khu vực bằng chữ Latinh cũng như dòng chảy của ngữ học truyền giáo trên thế giới.

Ngoài ra, chúng ta cũng có dịp mở rộng, so sánh trường hợp của chữ Quốc ngữ với chữ viết Ba na qua phần trình bày của TS Nguyễn Đặng Anh Minh. Tương tự chữ Quốc ngữ, chữ Ba na cũng là sản phẩm sáng tạo của các thừa sai đến truyền giáo tại Việt Nam, đã dần vượt khỏi khuôn khổ của nhà thờ và hệ thống giáo dục trường Dòng, được chính quyền Pháp tại Đông Dương chuẩn hoá, thống nhất để chính thức sử dụng trong giáo dục và hành chính.

Tọa đàm do Tia Sáng tổ chức nhằm đem khoa học và nghệ thuật tới đại chúng.

Thời gian: 14h30 thứ Bảy, ngày 30/1/2021

Địa điểm: 52 Hai Bà Trưng, Hà Nội

Link đăng ký tham dự sự kiện:

http://bit.ly/3cg0HC3

Thông tin diễn giả:

TS. Phạm Thị Kiều Ly, tốt nghiệp tiến sĩ ngành khoa học ngôn ngữ tại ĐH Sorbonne Nouvelle, thành viên của Laboratoire de l’Histoire des Théories linguistiques – Paris, chuyên nghiên cứu về Lịch sử các lý thuyết ngôn ngữ, ngữ học truyền giáo và đặc biệt nghiên cứu về lịch sử ngữ pháp tiếng Việt và chữ quốc ngữ.

TS. Nguyễn Đặng Anh Minh, tốt nghiệp tiến sĩ ngành Lịch sử tại Trường École doctorale de l’École pratique des hautes études (Paris), thành viên của Centre Asie du Sud-Est (CASE, URM 8170), Paris, chuyên nghiên cứu về Lịch sử của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

Tác giả