Việt Nam tham gia tổ chức Hội nghị bộ trưởng quốc tế về bảo tồn đại dương

Thông qua hợp tác với Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Việt Nam, Đức, Ecuador và Ghana sẽ tổ chức hội nghị bộ trưởng về bảo tồn đại dương vào tháng 9/2021.


Ô nhiễm nhựa trên các tuyến sông Mekong ở Việt Nam. Ảnh: vietnambusiness 
 
Hội nghị sẽ tập trung vào việc tạo cơ hội cho cộng đồng trên toàn thế giới đặt ra các mục tiêu cụ thể và rõ ràng (có thể đo lường được) để chấm dứt vấn đề rác thải biển – vốn có tác động khủng khiếp đến hệ sinh thái biển, động vật hoang dã và sức khỏe con người. Mục tiêu trọng tâm của hội nghị là hoàn thành bộ hướng dẫn về giải quyết toàn bộ vòng đời của nhựa và tạo ra các các biện pháp nhằm sản xuất và tiêu thụ bền vững nhựa, sử dụng các phương pháp khoa học để giám sát quá trình. UNEP cho biết, các quốc gia tổ chức hội nghị cũng đã đặt ra những mục tiêu nhằm tạo nguồn kinh phí hỗ trợ các hoạt động làm sạch cũng như những biện pháp giảm thiểu rác thải, từ đó tạo ra một môi trường thuận lợi để phát triển “khuôn khổ và động lực cho những thay đổi ở cấp địa phương, quốc gia, khu vực và quốc tế.” 
 
Trong một tuyên bố chung, Ghana, Đức, Việt Nam và Ecuador cho biết, việc loại bỏ rác thải nhựa là một phương án hợp lý nếu muốn thực phẩm an toàn và chất lượng hơn, từ đó cải thiện sức khỏe con người, mang lại lợi ích cho du lịch ven biển và chống biến đổi khí hậu.
 
Một tổ chức đi đầu trong lĩnh vực nhựa đại dương là Đối tác Hành động về Nhựa toàn cầu (GPAP), do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) thành lập cách đây hai năm. Tổ chức này đã hỗ trợ Ghana trong việc thành lập Đối tác Hành động về Nhựa Quốc gia cho nước này nhằm “phát triển một khuôn khổ kinh tế tuần hoàn như là phương tiện chính để giảm thiểu chất thải nhựa và ô nhiễm nhựa”. Bộ trưởng Môi trường, Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Ghana Kwaku Afriyie nói “Chúng ta cần đổi mới, hợp tác và đầu tư tài chính trong quản lý chất thải và giám sát rác thải trên biển, đặc biệt là ở những nước đang phát triển, thiếu thốn cơ sở hạ tầng”.
 
Đức cũng đóng vai trò dẫn dắt trong việc xây dựng kế hoạch hành động chống ô nhiễm nhựa trên biển, trong khi Việt Nam đưa ra chiến lược phát triển nhằm thúc đẩy kinh tế hàng hải sóng song với bảo vệ môi trường và hệ sinh thái như một phần của mục tiêu quốc gia 2030. “Chúng ta chẳng có viên đạn bạc nào để chấm dứt rác thải biển hay ô nhiễm nhựa, nhưng chắc chắn ta có một bộ công cụ để điều chỉnh các giải pháp”, ông Jochen Flasbarth, Bộ trưởng Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên và An toàn Hạt nhân Đức, cho hay.
 
Còn theo ông Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Việt Nam đang ủng hộ một cách tiếp cận thống nhất để chống nhựa trên biển bằng cách xây dựng “một khuôn khổ gắn kết toàn cầu – với các mốc rõ ràng, vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan, cũng như chỉ tiêu, tiến độ – từ đó giải quyết các vấn đề rác thải biển xuyên biên giới và ô nhiễm nhựa. 
 
Đối với hội nghị bộ trưởng sẽ diễn ra vào năm tới, UNEP cho biết sẽ hỗ trợ bốn quốc gia này bằng cách “chuẩn bị những thông tin khoa học chính xác nhằm cung cấp nguồn thông tin chính sách trước khi UNEA 5 được diễn ra vào đầu năm 2022”.
 
Không chỉ Đức, Việt Nam, Ecuador và Ghana đang gấp rút chuẩn bị một hội nghị về nhựa, Hiệp hội Nuôi trồng Thủy sản Thế giới (WAS) và IMarEST cũng đang phối hợp tổ chức một loạt các cuộc thảo luận bàn tròn “để trao đổi thông tin liên quan đến những rủi ro về nhựa trong nuôi trồng thủy sản” trong quá trình hướng đến sự kiện Hội nghị Nuôi trồng Thủy sản Thế giới sẽ diễn ra tại Singapore ngày 14 đến 18 tháng 6 năm nay. “Chúng ta đơn giản là phải hành động khẩn cấp ngay từ bây giờ để ngăn chặn ô nhiễm nhựa, bởi nếu không, đến một lúc nào đó mọi nỗ lực của chúng ta sẽ trở thành vô nghĩa, chúng ta sẽ không thể làm gì để đưa mọi thứ trở lại như trước”, Giám đốc Điều hành UNEP Inger Andersen nói.
 
Hà Trang dịch
Nguồn: https://www.seafoodsource.com/news/environment-sustainability/four-nations-lead-global-search-for-consensus-on-curbing-marine-plastics-pollution

Tác giả