Âm dương

Cũng đã bảy năm sau triển lãm lần đầu, quãng thời gian dài như vậy không chỉ biểu hiện cái nhọc nhằn của nghề sáng tạo mà còn là sự kỹ tính cần thiết của một nghệ sĩ chuyên nghiệp.

Bởi mỗi một lần bầy thì tiêu chí quan trọng nhất, quan trọng hơn cả xấu đẹp. Đó vẫn phải là mình nhưng bắt buộc là một mình mới. Ở triển lãm hồi năm 2013, Lập Phương làm tối giản/chất liệu sắt với những hình gợi về úp, mở, sấp, ngửa gợi về cánh với những kết cấu đôi, đôi cánh,  cánh chim, cánh cửa hoặc kết cấu 3, kiềng, vũ, vũ điệu. Còn ở lần này, vẫn là Lập Phương ấy, vẫn thủy chung với tối giản ấy nhưng là một Lập Phương mới, một tối giản mới với thủy tinh.

Khó nhất của một dự án nghệ thuật là ý tưởng, ý tưởng là phần móng của tòa nhà, là sợi dây kết nối các tác phẩm của dự án. Âm dương là tên và cũng là ý tưởng của triển lãm này của Lập Phương. Chúc mừng chị đã chọn được một ý tưởng quá hay. Vì âm dương bao trùm hết mọi chuyện của mỗi người cũng như mọi chuyện của “cõi người ta”.

Âm dương là ngày đêm, mưa nắng, được mất, vui buồn, hạnh phúc, bất hạnh, có không không có, trong đục, trống trải đầy ắp,  hội ngộ chia ly… Muốn có tác phẩm thì bất kể người làm nghệ thuật nào cũng phải đi đến tận cùng những trạng thái ấy. Phải sống, sống hết với những cung bậc ấy mới làm nghệ thuật được. Sống đã rồi hẵng làm nghệ thuật. Thủy thổ cân bằng, âm dương hài hòa đó là đạo mà cũng là nghệ thuật. Trầm bổng, nhanh chậm, to nhỏ, ngắn dài, đậm nhạt, nóng lạnh hài hòa thì thành tác phẩm. Lập Phương là tối giản, âm dương chính là tối giản. Vạn sự ở đời suy đến kiệt cùng thì cũng chỉ là âm dương. Âm dương là đối lập, là nhị nguyên nhưng thực ra lại là nhất nguyên, là hai mặt của một tờ giấy. Trong cái này có cái kia, trong âm có dương, trong dương có âm. Âm dương là một, đều là ở Thái cực mà ra. Thái cực sinh lưỡng nghi không sai, nhưng đúng ra thì Thái cực bằng lưỡng nghi.

Trên cái móng âm dương ấy, có khoảng 20 tác phẩm, Lập Phương chọn bầy 13 tác phẩm, 13 Lập Phương, 13 âm dương, 13 không tên, 13 “mảnh vỡ”. Điêu khắc của Lập Phương không nệ thực, kể lể. Chỉ có cảm, chỉ là gợi, là câu hỏi và người xem sẽ trả lời. Mà ngay cả câu trả lời cũng là cảm, tôi cảm thấy khối thủy tinh cong cong ấy như  một con thuyền mắc cạn, một đám mây, một cơn gió, một cái chìa khóa cũ… Tối giản là cô đọng, chắt lọc, hàm súc, là tĩnh lặng, là vô ngôn. Tối giản hợp với cảm, chỉ cảm thấy thế chứ tả kể sao được. Trước một khối thủy tinh trong suốt ấy tôi cảm thấy nó là cái lá, là cánh chim cũng được… Tối giản / thủy tinh gần với “thực tướng là vô tướng” của nhà Phật. Cái tướng chân thực nhất của một hữu thể là tướng không. Vì nó là tướng không nên nó có thể là đám mây, có thể là cái lá, “con sông là thuyền /  mây xa là buồm” và vì nó trong suốt nên nó có thể là “một hạt sương / thu cả mênh mông”.

Mỗi chất liệu có một ngôn ngữ biểu đạt riêng. Ở lần triển lãm hồi 2013, Lập Phương làm với sắt / hàn, điêu khắc là ghép, nối, hàn, gắn. Lần này Lập Phương làm với thủy tinh là cắt, là uốn, nắn, là bớt là buông, là cắt bớt, bỏ bớt, mài bớt, là uốn thêm, cong thêm, uốn lại, nắn lại, cong lại, co lại, vui lại, buồn lại…

Thủy tinh mong manh khó tính, khó làm, đòi hỏi người làm phải có một tâm thế tĩnh tại, phải an lòng, phải tinh tế, phải tế nhị. Làm như không làm, uốn như không uốn. 13 tác phẩm như 13 câu hỏi, hỏi mà không định hỏi gì, hỏi như không hỏi, hỏi như không. Lập Phương là ai? Tối giản, tối giản / thủy tinh của chị là gì? Câu trả lời đã nằm trong chính những câu hỏi ấy rồi.

Triển lãm cá nhân lần đầu “Âm dương” của nhà điêu khắc Lập Phương trưng bày 13 tác phẩm trên chất liệu thủy tinh. Triển lãm diễn ra từ ngày 23/7 đến 31/8/2020 tại tầng 62, InterContinental Hà Nội Landmark 72 (P. Mễ Trì, Q. Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Tác giả