Cá tính học thuật Đoàn Văn Chúc

Trong đời sống học thuật, nhất là khoa học xã hội, có rất nhiều thân danh dành cho số đông, công chúng (quen xem tivi, nghe đài đọc báo) nhưng cũng có những tiếng nói chỉ được biết đến ở phạm vi rất hẹp, thường là của giới chuyên môn sâu. Học giả Đoàn Văn Chúc là một trường hợp như vậy.

Đoàn Văn Chúc qua kí họa của Bùi Xuân Phái (22/11/1975).
Theo nhà thơ Lê Đạt, chính Đoàn Văn Chúc là tác giả của
“Phái phố” mà nhiều người vẫn tưởng là của Nguyễn Tuân.

Người thầy và nhà nghiên cứu

Sinh năm 1926, Đoàn Văn Chúc vẫn kịp trưởng thành trong môi trường giáo dục Pháp – Việt trước khi nó dần lụi tàn sau năm 1945. Vốn tri thức Tây học và nhất là tiếng Pháp vững chắc sẽ thúc đẩy Đoàn Văn Chúc dám phiêu lưu trong sự lựa chọn nguồn hiểu biết cho mình. Nhưng cũng phải mất hơn 20 năm tham gia kháng chiến rồi công tác văn hóa quần chúng, ông mới có điều kiện bắt tay vào công việc nghiên cứu.

Trong khoảng thập niên 1970, vượt qua những rào cản và sự tự khép kín của xã hội, Đoàn Văn Chúc đã tiếp cận, đọc sâu nhiều trước tác của J. Frazer (1854-1941), S. Freud (1856-1939), E. Cassirer (1874-1945), G. Bouthoul (1896-1980), M. Eliade (1907-1986), và đặc biệt là C.Lévi-Strauss (1908-2009)1,… – những bộ khung chỉ dẫn gần như khác hẳn căn nền Marxist. Vì thế các bài soạn giảng của ông – từ năm 1978-1990, ông giảng dạy văn hóa học, xã hội học văn hóa tại Trường Lý luận nghiệp vụ văn hóa, sau là Đại học Văn hóa Hà Nội – có kênh tham chiếu ở nhiều lĩnh vực khác nhau (phân tâm học, triết học, tôn giáo, nhân học…). Bên cạnh đó, ông lần lượt chọn dịch một số công trình mà chỉ số ít giới chuyên môn thực sự mới vỡ lẽ. Bản tính khiêm cung và cẩn trọng hẳn đã làm ông “chậm phẩm”, đến muộn trong những công bố. Nhưng điều đó không xóa mờ tầm ảnh hưởng học thuật của ông trong văn hóa học, xã hội học văn hóa.

Việc nghiên cứu văn hóa ở Việt Nam có nhiều kiểu dạng. Trước hết và sớm hơn cả là điểm danh, mô tả các đặc sắc, biểu hiện của phong tục tập quán (như Phan Kế Bính mở đầu một cách điển phạm với Việt Nam phong tục, 1916, để về sau có thêm những Nhất Thanh, Toan Ánh nối dài không mấy xuất sắc hơn). Hướng thứ hai là kết hợp khảo cứu và cấu trúc hóa các thành tố văn hóa, diễn giải chúng theo chiều lịch đại mà Việt Nam văn hóa sử cương, 1938, của Đào Duy Anh là mẫu mực. Có thể nhắc đến Văn minh Việt Nam (1944) của Nguyễn Văn Huyên cũng là một trường hợp tiêu biểu của ý thức tái dựng cấu trúc văn hóa-văn minh Việt Nam. Cần nói thêm rằng, cả Phan Kế Bính, Đào Duy Anh và Nguyễn Văn Huyên, vào thời điểm Đông Tây tiếp xúc đang lệch về phía quyền lực cái mới, đều mang tinh thần duy tân, nên cảm nhận và sự phân tích của họ đều lộ rõ ý hướng phê phán những hủ tục lạc hậu, những khuyết điểm cố hữu của văn hóa truyền thống. Bẵng đi một thời gian chúng ta chỉ có đường lối, có khi là khoa học đường lối văn hóa văn nghệ xã hội chủ nghĩa thì đến thập niên 1980, nghiên cứu văn hóa mới trở lại một cách dồn dập. Lần này, số đông chọn nghiên cứu bản sắc văn hóa và dù theo hướng diễn trình lịch sử, hay hệ thống – cấu trúc, so sánh – loại hình thì về cơ bản, vẫn tập trung đề cao những phẩm tính riêng, đặc trưng không lẫn của Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử xây dựng, kiến tạo quốc gia. Tính chất tái qui tâm truyền thống và tinh thần dân tộc chủ nghĩa thể hiện khá rõ trong loạt nghiên cứu của Trần Văn Giàu (Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam, 1980), Hà Văn Tấn (Về sự hình thành bản sắc dân tộc Việt Nam, 1987), Phan Ngọc (Văn hóa Việt Nam và cách tiếp cận mới, 1994; Bản sắc văn hóa Việt Nam, 1998), Hoàng Ngọc Hiến (Sức mạnh văn hóa và sự phát triển của văn minh – trường hợp Việt Nam, 1994), Trần Ngọc Thêm (Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, 1996)… Khi bộ môn Cơ sở văn hóa Việt Nam được đưa vào nhà trường, thay vì làm đa dạng hóa các cách tiếp cận, phân tích văn hóa, thì nó càng vít chặt người đọc/học vào lối ghi nhớ diễn trình/tiến trình (theo thời/triều đại) và kết cấu thành tố (tự nhiên và xã hội, vật chất và tinh thần) không tránh khỏi cứng nhắc. Ngay cả một công trình rất dày dặn, chặt chẽ và khúc chiết gần đây là Văn hóa Việt Nam truyền thống – một góc nhìn (2011) của Nguyễn Thừa Hỷ thì thao tác phân loại, liệt kê vẫn nổi bật.

Có thể thấy Đoàn Văn Chúc có tương đồng nhưng cũng khác biệt so với diện mạo chung của những nghiên cứu trên. Trước tiên, ông vẫn đi theo lối phân loại các thành tố của văn hóa: lễ-tết-hội; giá thú; tang; trò chơi; thời kiểu… Nhưng ngay khi điểm mặt mỗi thành tố, ông có xu hướng lọc ra những ý nghĩa, cấu trúc và chức năng phổ quát của chúng. Vì thế, ông chỉ lấy Việt Nam làm mẫu cho các quan sát rộng hơn theo hướng liên ngành. Chẳng hạn, về lễ-tết-hội, trò chơi: Nếu Phan Kế Bính, Nhất Thanh hay Toan Ánh chủ yếu liệt kê, giới thiệu, nghĩa là chỉ dừng mức cung cấp thông tin (thời gian, địa điểm, cách thức), thì Đoàn Văn Chúc đi đến phân tích (tại sao và như thế nào) sự phát sinh, lẽ tồn tại và các giá trị của chúng. Khi đó, ông sẽ vận dụng lí thuyết về nghi thức, chức năng, biểu tượng, cấu trúc, tâm lí…, để diễn giải, đánh giá. Sẽ lí thú và cảm thấy có “hóc hiểm” khoa học hơn khi ông tham chiếu lễ hội theo góc nhìn của S. Freud, rằng “dù hơn thường hay khác thường, sự sống của mỗi thành viên trong khoảnh khắc ấy cũng tràn vượt khuôn khổ sống hàng ngày”, “một thứ vô trật hay thái quá được tổ chức và được phép”2; khi ông phát hiện trong các kiểu loại trò chơi (thể lực, tính toán, thị lực) “những được phép” và “những cấm kỵ” mà người chơi phải nắm bắt3; khi ông mổ xẻ nhiều khái niệm thoạt tiên tưởng là một nhưng nội hàm khác xa nhau: ứng xử và xử sự, tác phong và nếp sống, phong tục và phong hóa4. Chính vì đuổi theo lí thuyết, thậm chí chủ ý nâng vấn đề thành lí thuyết nên Đoàn Văn Chúc không có thiên hướng ngợi ca sự đặc sắc, phong phú của văn hóa/phong tục Việt. Ông tỏ ra trầm tĩnh để nhìn thấy, đặt cạnh cái riêng biệt trong phổ quát, chất địa phương trong tính toàn cầu. Ở vài điểm chính yếu, cách ông triển khai các chủ đề trong văn hóa học, xã hội học văn hóa có hơi hướng nhân học văn hóa (cultural anthropology) là khoa học/lí thuyết  liên ngành rộng bậc nhất.

Dấu ấn thuật ngữ

Hiểu sâu những vấn đề quen thuộc hoặc khơi gợi một vài vấn đề mới mẻ cũng là một năng lực, tính cách khoa học khá riêng của Đoàn Văn Chúc. Hiểu sâu không chỉ vì có kiến thức rộng mà còn vì tâm thế “cứng đầu” không chịu theo lối mòn. Không ít lần, ông phải dụng đến chiết tự (Hán), chua ngoại ngữ (Pháp) và cộng với sự “nghiệm sinh” của mình để cắt nghĩa một khái niệm thật ưng ý. Đơn cử, liên quan đến văn chương dân gian, một loại hình văn hóa dân gian, ông dùng “diễn từ dân gian” (chua là “discours populaires”) để chỉ ngạn ngữ (tục ngữ), câu đốdiễn ngữ là những thể loại được các nhà folklore yên tâm với cách sắp đặt của mình. Từ chỗ đọc sâu, tất yếu Đoàn Văn Chúc sẽ có lợi thế bàn sớm, bàn kĩ nhiều vấn đề trong chủ ý cập nhật, thu thập thông tin vừa của sách vở vừa của đời sống đương thời. Ông đã dành nhiều trang viết để giới thuyết biểu tượng, nhân học văn hóa, phân tích thời kiểu, trường văn hóa, thời gian rỗi và hoạt động rỗi, mà hôm nay chúng ta bắt đầu thấy độ khả dụng của chúng trong nghiên cứu khoa học xã hội – nhân văn nói chung. Không phải ngẫu nhiên mà sách của ông, viết lẫn dịch, là nguồn cung khá nhiều thuật ngữ cho học giới. Nhưng có lẽ, ngay cả độc giả chuyên môn cũng cảm thấy “lạ lẫm” (hoặc ấn tượng lâu dài) với nhiều từ/thuật ngữ mang phong cách diễn đạt của Đoàn Văn Chúc (canh cải, thời kiểu, đồ hình, cách người, môi vật, thực thao, nghi điển, thượng tồn, dư sinh, biên bàng, trừu suất, cảnh diễn, lai pha…). Cá nhân tôi thì trộm nghĩ, ngoài chuyện ông trọng chữ đến mức kỳ công lựa chọn, thì rất có thể, ông và những trí thức cùng thời (Trần Dần, Lê Đạt, Huyền Giang…) không muốn giản đơn hóa suy tư, không muốn dự vào chuẩn ngôn ngữ, phát ngôn của thế thời đơn giọng. Cách tốt nhất để giữ khoảng cách với văn hóa quần chúng quen dùng chung khẩu vị lời lẽ nôm na là hãy cứ tạo những văn bản lấy trí tuệ thông thái làm điều kiện thưởng thức.

Cũng xin nói thêm một điểm đáng chú ý trong “cách người” Đoàn Văn Chúc: ông là bạn tri âm kiểu “một lứa bên trời” với những Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần, Đặng Đình Hưng, Văn Cao, Bùi Xuân Phái, Dương Tường, Đỗ Lai Thúy… Bản thân ông cũng làm thơ với một phong cách rất độc đáo. Nhà thơ Lê Đạt trong điếu văn “Vĩnh biệt Chúc bờ sông” tháng 10/1996 cho biết chính Đoàn Văn Chúc là tác giả của “Phái phố” nổi tiếng mà nhiều người vẫn tưởng là của Nguyễn Tuân. Từ hình ảnh “Chúc bờ sông”, tôi hình dung được tâm thế kẻ sĩ biết giữ đạo nhà, biết lảng tránh những mời gọi chưa hẳn đã tốt lành của danh vị và danh tiếng, biết lắng nghe những tiếng nói sách vở đôi khi mới lạ và khác biệt mà nhiều người chưa thể nhận ra. Có lẽ không sợ sai khi nhận xét ông là người không nhập vào đám đông mà vẫn hoàn toàn đủ vị thế trở thành tâm điểm quy chiếu.

Đoàn Văn Chúc để lại nhiều công trình nghiên cứu, dịch phẩm quan trọng. Trong đó, về nghiên cứu, đã xuất bản: Những bài giảng về văn hóa (1994), Văn hóa học (1997), Xã hội học văn hóa (1997); về dịch thuật : Tìm cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức (Trần Đức Thảo, 1996), Vật tổ và cấm kỵ (S. Freud, 1998), Những tiếng nói đã mất (J. Duvignaud, 2011), Những cấu trúc xã hội học (G. Bouthoul, 2011), Những mảnh ghép văn hóa (Nhiều tác giả, 2016). Hiện còn Triết học các hình thái biểu tượng (của E. Cassirer) và Bàn về lịch sử tôn giáo (của M. Eliade, dịch cùng Đỗ Lai Thúy) chưa in.

***
1
Tiếp nhận C. Lévi-Strauss vào thập niên 1960 – 1970 tại miền Bắc không chỉ mới mẻ mà còn bị coi là cấm kỵ. Nhà dân tộc học Từ Chi là người sớm chịu ảnh hưởng khá rõ chủ nghĩa cấu trúc của C.Lévi-Strauss (điển hình trong công trình Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyền ở Bắc bộ, 1984). Nhưng theo Đỗ Lai Thúy, Từ Chi từng bị phê phán là “tuyên truyền học thuật tư sản” vì đã tự nguyện đứng ra thuyết trình ba buổi về C. Lévi –Strauss. (Xem thêm Đỗ Lai Thúy [2006], Chân trời có người bay, NXB Văn hóa-Thông tin, Hà Nội, tr.251)

2Đoàn Văn Chúc (1997a), Văn hóa học, Viện văn hóa & NXB Văn hóa-Thông tin, Hà Nội, tr. 136

3Đoàn Văn Chúc (1997a), Sđd, tr.249

4Xem thêm Đoàn Văn Chúc (1997b), Xã hội học văn hóa, Viện Văn hóa & NXB Văn hóa-Thông tin, Hà Nội, tr.123-131.

 

 

 

 

Tác giả