Căn phòng của Giovanni: Giữa đen và trắng

Ẩn dụ bao trùm cuốn sách này chắc chắn là căn phòng của chàng người tình Giovanni, nơi cậu và David ẩn náu, căn phòng nơi cuộc sống trong đó “như đang xảy ra trong lòng biển. Thời gian trôi qua hững hờ bên trên chúng tôi; ngày giờ nào còn ý nghĩa gì”.

Nhà văn James Baldwin. Nguồn: Los Angeles Time.

Một người đàn ông da đen trần truồng trong một khu vườn nguyên sơ tựa như quần đảo Taihiti nơi xa khơi của Paul Gauguin, người đàn ông đó ngồi vắt chân, vừa có vẻ thoải mái mà cũng vừa có vẻ gượng gạo, người đàn ông đó là James Baldwin, hay nói đúng hơn, bức chân dung mang tên Dark Rapture (Sự mê ly tăm tối) về nhà văn James Baldwin trong mắt họa sĩ Beauford Delaney, được vẽ theo trường phái Dã Thú với những đường cọ rốt ráo nhưng thiếu dứt khoát và màu sắc mãnh liệt nhưng bị xé lẻ. Delaney vẽ rất nhiều tranh về Baldwin, đến mức làm cả một hợp tuyển mang tên Chúa đã làm ra gương mặt tôi. Nhưng trong số những bức tranh ấy, có lẽ không một bức tranh nào soi tỏ tâm hồn Baldwin rõ ràng hơn bức tranh này: một người Negro mới như đã sẵn sàng phô bày mình triệt để nhưng vẫn còn đó những nghi vấn, những mặc cảm và tội lỗi không thể giãi bày.

James Baldwin ra đời năm 1924. Tình cờ hay định mệnh, đó cũng là năm phong trào Phục Hưng Harlem1 chính thức khởi điểm, sau một bữa tiệc ở câu lạc bộ Civic tại New York do nhà xã hội học kiêm biên tập viên của tờ tập san Opportunity là Charles S. Johnson  tổ chức, với sự xuất hiện của hơn 100 văn sĩ cả da màu lẫn da trắng. Năm 13 tuổi, Baldwin có bài báo đầu tiên đăng trên tạp chí trường trung học, với tựa đề: “Harlem, ngày đó và bây giờ” Harlem, khu phố của người Mỹ gốc Phi, nơi những Langston Hughes, Martin Luther King, Malcolm X, Ralph Ellison, George và Ira Gershwin, Oscar Hammerstein, anh em nhà Marx, Louis Armstrong, Billie Holiday, Bud Powell, Duke Ellington, Fats Waller, Nina Simone đều từng một thời lưu trú, là mối quan tâm suốt đời của James Baldwin.

Sau tiểu thuyết đầu tay Go tell it on the mountain lấy bối cảnh Harlem, độc giả chờ đợi tác phẩm thứ hai của James Baldwin cũng là một tiểu cảnh Harlem nữa, nhưng không, đến Giovanni’s Room (theo bản dịch của Đoàn Duy do NXB Hội Nhà Văn và Tao Đàn phát hành là Căn phòng của Giovanni), Baldwin thoát ly khỏi Harlem, thậm chí, khỏi nước Mỹ, đẩy nhân vật của ông đến Paris và Cựu lục địa, và nhân vật của ông, lần này, thậm chí còn không phải một người da đen, mà là một người đàn ông da trắng: “Tổ tiên tôi từng chinh phục một lục địa, băng qua những bình nguyên đầy chết chóc, cho tới khi họ đến một đại dương quay lưng lại châu Âu nhìn vào một quá khứ tăm tối hơn” – không phải một chủng tộc Caucasian thượng đẳng và kiêu hãnh, mà là những kẻ chinh phục đã vượt qua địa ngục để chỉ đành đoạt lấy một miền đất buồn.

Đằng nào thì con người dù đội lốt ra sao, đen hay trắng, cũng không qua mặt được những nỗi đau tham lam đã rình sẵn để ngốn ngấu lấy họ.

Giờ đây, David, một người đàn ông Mỹ da trắng quay lại nơi bắt đầu, để, như trong cuốn tiểu luận Một câu hỏi về danh tính mà Baldwin từng viết, “chịu đựng những ống nước tồi tàn của Paris, những nhà tắm công cộng, tuổi đời của Paris, và sự bẩn thỉu – để theo đuổi một điều kỳ cùng nào đó, bí ẩn và đa phần là không thể diễn giải rõ, mà có thể gói gọn lại một cách tùy tiện trong một động từ là học”. Dĩ nhiên, sự học mà ông nhắc đến ở tiểu luận này là làm một  sinh viên, còn trong Căn phòng của Giovanni, nhân vật chính đã học về những cặn lắng trong bản ngã của mình, anh thả mình vào một dung môi mới, để những cặn lắng cũ xưa nổi lên – anh bị kéo vào một cuộc tình không thể cưỡng bách với một chàng trai tên Giovanni, hay nói một cách không hoa mỹ, anh “come out” với những khát khao đồng tính. Niềm khao khát nhúc nhắc như một sinh vật biết trườn dần siết chặt lấy anh và nếu muốn thoát ra khỏi nó, anh chẳng còn cách nào khác ngoài cách giết bỏ nó.

Lời đề tựa của Căn phòng của Giovanni được trích từ thơ Walt Whitman: “Tôi là con người, tôi đã khổ đau, tôi đã ở đó.” Nó khiến người ta nhớ đến câu đầu tiên trong lá thư tình bất hủ De Profundis của Oscar Wilde gửi người tình đồng tính của mình khi ông ngồi trong ngục thất: “Sự đau khổ là một khoảnh khắc rất dài. Chúng ta không thể chia nó theo các mùa. Chúng ta chỉ có thể lưu trữ những tâm trạng của nó, và biên niên ký lại mỗi lần nó trở về”. Cả hai tác phẩm đều là những lời tự thú, nhưng khác với Oscar Wilde, nhân vật của James Baldwin chịu nỗi đau của người không bị xét xử, người sẽ bị hành hình cuối cùng không phải là anh, thứ duy nhất mà anh phải hứng chịu là một sự yên ổn nằm ngoài sức chịu đựng. James Baldwin dắt ta đi một con đường vòng dài quanh co mà phong cảnh hai bên trải dài tít tắp những trạng huống bi kịch, không điểm tận cùng, không có đích, bởi với một kẻ phạm tội không bị xử tội thì đích cũng đồng nghĩa với sự trở về vạch xuất phát.

Ẩn dụ bao trùm cuốn sách này chắc chắn là căn phòng của chàng người tình Giovanni, nơi cậu và David ẩn náu, căn phòng nơi cuộc sống trong đó “như đang xảy ra trong lòng biển. Thời gian trôi qua hững hờ bên trên chúng tôi; ngày giờ nào còn ý nghĩa gì”. Trong văn chương, những căn phòng hoặc là chứa đựng một bí mật kinh hoàng hoặc là một thiên đường kỳ diệu. Căn phòng của Giovanni là cả hai điều đó. Căn phòng ấy là một mật thất của một tình yêu bị cấm, cũng là một tầng hầm của những giấc mơ đóng bụi. Những vách ngăn của căn phòng vừa là nơi trú ngụ và cư lưu, vừa là song sắt chắn giữ không để những say đắm lọt ra ngoài; rồi đến một ngày, căn phòng ấy cũng chính là lăng mộ chôn sống đối tượng của sự say đắm ấy. Phải, dường như Giovanni không phải đợi đến khi bị xử tử mới chết đi, cậu đã chết ngay trong căn phòng của mình vào lần cuối mà David bước vào đó, dưới ánh nắng lóa mắt ngập tràn chiếu lên thân thể cậu trần truồng, trắng bệch và bại hoại.

Khi James Baldwin quyết định di cư sang Paris vào năm 24 tuổi, ông nói không muốn mình được đọc “chỉ như một người da đen; hay, thậm chí, chỉ như một cây bút da đen”. Có lẽ đó là một phần nguyên nhân khiến Căn phòng của  Giovanni là một cuốn sách toàn-tập-trắng. Nhưng chính qua sự phản tư của một người đàn ông da trắng bỗng thấy mình bị dạt ra vùng biên và lâm vào tình thế “đồng tính”, anh ta sẽ chiêm ngưỡng thế giới bị màu đen chiếm lấp ra sao. Màu đen không chỉ là một màu da, một dòng giống, một tộc người, mà ở đây, nó hiện diện trong bóng tối, trong những ngày nhập nhoạng Paris, trong một cuộc sống lấp liếm bên dưới bề mặt đời sống thường nhật, trong nỗi âu lo ngột ngạt bị phát giác, trong chính căn hầm mục rữa của tâm hồn anh, nó là tất cả những gì đối lập với ánh sáng lóa mắt của một người đàn ông da trắng dị tính. Thay vì vạch ra biên giới của màu đen, James Baldwin vạch ra biên giới của những gì không phải là màu đen, và trong khi màu trắng (sự sáng tỏ) ngày càng co cụm lại trong nỗi ân hận của mình thì màu đen (sự che đậy) của những nỗi thống khổ ngày càng dâng cao vời vợi.

Vậy là, sẽ có lúc, ngay cả một người da trắng cũng sẽ sa vào bóng đen, ngay cả một kẻ ở trung tâm cũng sẽ thấy mình đã mất phương hướng và kẹt ở phía ngoại vi. Đen – trắng, đồng tính – dị tính, chúng chỉ là ẩn dụ của những xung đột giữa sự thật về con người và những kỳ vọng không tưởng mà ngoại cảnh áp đặt lên con người. Nhưng để làm gì? Đằng nào thì con người dù đội lốt ra sao, đen hay trắng, cũng không qua mặt được những nỗi đau tham lam đã rình sẵn để ngốn ngấu lấy họ. □

———————————————-

1. Phong trào văn hóa của người Mỹ gốc Phi.

Tác giả