Christian Tetzlaff: Khám phá khía cạnh mới của Beethoven và Sibelius

Từ trước đến nay, các nghệ sĩ thường thu âm bản concerto violin của Sibelius với Tchaikovski và hiếm khi kết hợp với tác phẩm của Beethoven trong một đĩa nhạc. Tuy nhiên, bằng cách tiếp cận và cách xử lý mới, nghệ sĩ violin Christian Tetzlaff đã làm được điều đó trong một ấn bản cho hãng Ondine vào năm 2019.


Nghệ sĩ violin Christian Tetzlaff.

Đối với nhạc trưởng Paavo Järvi, có hai kiểu nghệ sỹ độc tấu: “Những người rời đi khi chơi xong concerto và gặp nhạc trưởng sau đó để cùng ăn tối, và những người luôn tận dụng cơ hội để lắng nghe tác phẩm giao hưởng ở nửa sau chương trình. Christian là một trong số đó bởi có mối quan tâm sâu sắc đến âm nhạc – không chỉ tác phẩm viết cho violin – mà âm nhạc nói chung. Điều này nghe có vẻ rất bình thường nhưng trên thực tế không phải vậy.” Và vài tuần sau, như để chứng minh quan điểm của Järvi, người ngồi trước mặt tôi trong phòng hòa nhạc Philharmonie Berlin để nghe Giao hưởng thứ hai của Rachmaninov khi vừa đem đến một màn trình diễn xuất sắc bản concerto violin của Beethoven, không phải ai khác mà chính là Christian Tetzlaff.

Màn biểu diễn Beethoven đó, được thu âm trực tiếp trong hai đêm và được Ondine phát hành trong tháng này, đi kèm với concerto của Sibelius; cả hai đều cùng Dàn nhạc giao hưởng Đức (Deutsches Symphonie-Orchester Berlin) dưới đũa chỉ huy của nhạc trưởng trẻ người Ý Robin Ticciati. Rõ ràng là nhiều nhạc trưởng thích làm việc cùng Tetzlaff. “Ông liên tục trao đổi với tôi,” Ticciati kể. “Nghe ông chơi các sonata của Schumann và Brahms cùng nghệ sĩ piano và nhạc trưởng Đức Lars Vogt, tôi cảm thấy mình nhận được một lượng từ vựng hoàn toàn mới về âm nhạc. Điều đó đã thay đổi tôi rất nhiều. Và tôi hoàn toàn bị ám ảnh trước các tam tấu mà ông chơi cùng Lars và em gái Tanja (một nghệ sĩ cello).” Järvi thì quả quyết: “Anh ấy là một trong những nghệ sỹ xuất sắc. Bạn có thể học hỏi từ anh ấy – bạn nghe anh ấy trò chuyện qua âm nhạc thay vì chỉ chơi các nốt nhạc. Anh ấy không tuân theo công thức.”

Đối với nghệ sỹ piano và nhạc trưởng Vogt, một trong những người bạn thân nhất và cộng sự âm nhạc của nghệ sỹ violin trong khoảng 30 năm, Tetzlaff “đúng là biết mọi thứ và hiểu mọi thứ. Anh ấy có một kiến ​​thức nền không giống ai. Mọi vấn đề của anh ấy luôn xuất phát từ vấn đề cốt lõi của âm nhạc. Tôi đã học được rất nhiều từ cách tiếp cận của anh ấy: điều nhà soạn nhạc viết có ý nghĩa nào không? Nó có nghĩa gì về mặt phong cách? Nó có nghĩa gì vào thời điểm đó? Tôi đã học hỏi được nhiều từ những người thầy và những nhạc trưởng mà tôi đã gặp nhưng không có ai mà tôi học hỏi được nhiều hơn so với Christian.”

 

Luôn tìm cách tiếp cận mới trong âm nhạc

 

Tetzlaff, hiện ở tuổi 54, đã biểu diễn ở cấp độ cao nhất trong ba thập kỷ (một màn biểu diễn concerto violin của Schoenberg, ở tuổi 22 cùng Dàn nhạc Cleveland do Christoph von Dohnányi chỉ huy, là một cột mốc lớn trong sự nghiệp). Mái tóc dài chấm vai của Christian Tetzlaff được buộc ra phía sau khi ông chơi nhạc và trang phục biểu diễn thoải mái của ông gợi ra rằng đây là người hoàn toàn thoải mái với vẻ bề ngoài của mình. Định cư tại Berlin, ông có một gia đình trẻ – những đứa con ở tuổi lên sáu, lên bốn và lên hai – với người vợ mới, nhiếp ảnh gia người Ý Giorgia Bertazzi.


Bản thu âm concerto violin của Beethoven và Sibelius.

Tetzlaff hoàn toàn khiếp sợ sự nhàm chán hoặc những cách biểu diễn đã được định hình đối với các tác phẩm mình chơi. Vào năm 2011, khi Telegraph hỏi liệu ông có băn khoăn về nguy cơ cũ dần khi từng chơi concerto của Brahms 33 lần trong năm đó, ông sửng sốt: “Tại sao? Tác phẩm đó có tệ đi không? Với mỗi buổi hòa nhạc, tôi lại được chơi trước những khán giả mới, những người rõ ràng đã cùng tôi gia nhập hành trình âm nhạc tuyệt vời này.” Như Järvi chỉ ra: “Tôi đã cùng anh ấy chơi cũng tác phẩm đó đủ nhiều lần để thấy được điều đó và điều tôi thích là anh ấy biểu diễn theo cảm xúc hơn là nương theo những các xử lý cũ để có được sự an toàn trên sân khấu.”

 

Kết nối Beethoven và Sibelius

 

Beethoven đã viết bản concerto violin duy nhất của mình vào năm 1806, đem lại cho nó quy mô gần như giao hưởng (chẳng hạn như chương nhạc đầu dài 25 phút của nó có thể thoải mái bao chứa toàn bộ concerto violin thứ ba của Mozart). Tuy nhiên, nó lại được đón nhận một cách thờ ơ tại buổi công diễn lần đầu ở Vienna và chỉ đến những năm 1840, Joseph Joachim tuổi 12 dưới sự chỉ huy của Mendelssohn mới làm nó hồi sinh và đưa nó vào vị trí trung tâm trong vốn tiết mục concerto violin và thể loại này – như thường thấy với bất kỳ thể loại nào mà Beethoven chạm vào – đã được nâng lên một cấp độ mới. Sibelius, một nghệ sỹ violin tài năng (Beethoven thì không thế), đã viết bản concerto duy nhất của mình vào năm 1904, gần như đúng 100 năm sau Beethoven, và chỉnh sửa nó vào năm tiếp theo để tạo ra phiên bản mà chúng ta luôn nghe thấy ngày nay.

Trước đây các concerto violin của Beethoven và Sibelius hiếm khi được ghép cặp cùng nhau trong một đĩa thu âm. Giờ đây, Tetzlaff đã tìm tòi đủ nhiều để có được một sự ghép đôi hợp lý. “Cả hai tác phẩm đều xuất hiện từ đầu những thế kỷ mới, chúng đều giống như Janus1. Beethoven bám chắc trong truyền thống Haydn-Mozart nhưng cũng nhìn về phía trước theo một cách hoàn toàn khác. Sibelius cũng vậy, ông là nhà soạn nhạc rất hiện đại trong ý đồ sáng tác. Vài ngày trước tại Berlin này, chúng tôi đã chơi bản tứ tấu đàn dây Voces intimae của Sibelius, một tác phẩm dữ dội. Về mặt cấu trúc, ông vẫn bắt nguồn từ truyền thống Lãng mạn nhưng đã nhìn sang thế kỷ mới. Vì vậy, tôi nghĩ rằng cả hai nhà soạn nhạc đều có chức năng tương tự nhau – rất khác với Brahms, người thực sự đã mở rộng hình mẫu concerto Beethoven. Tôi cho rằng Sibelius đã làm cho thế kỷ của mình điều mà Beethoven đã làm cho thế kỷ của ông”, Tetzlaff nói.

Khi tôi hỏi Tetzlaff về việc chơi thành công bản concerto của Beethoven, có phải niềm đam mê dành cho nhạc thính phòng của ông đóng vai trò nào đó, ông trả lời thẳng thắn: “Những gì Beethoven muốn truyền tải đã nổi bật trong bản nhạc. Chương đầu tiên được viết ở sắc thái piano rõ ràng cho bè violin solo. Và điều đó hoàn toàn thích hợp để các bùng nổ đạt hiệu quả ở các chỗ thích hợp. Khi âm thanh trở nên thực sự dịu nhẹ, khán giả phải chăm chú lắng nghe. Có nét độc đáo trong concerto của Beethoven và cả Brahms, nghệ sĩ độc tấu phải chơi đệm cho nhạc cụ khác, chẳng hạn như oboe. Tôi đồng ý với ý tưởng đó bởi tôi thấy bất bình khi nghĩ đến việc một nghệ sỹ độc tấu mong đợi 100 người trong dàn nhạc sẽ theo sau mình hầu hết thời gian.”

Tôi thấy cả hai concerto của Beethoven và Sibelius như cặp song sinh. Việc thấu hiểu điều đó làm cho việc chơi Sibelius và Beethoven vui đến tận cùng. Christian Tetzlaff

Bản lĩnh âm nhạc của Tetzlaff chỉ là một trong những điểm thu hút Reijo Kiilunen của hãng Odine: “Điều tôi thực sự ngưỡng mộ ở lối chơi của anh ấy là cách anh ấy giữ vững nhịp ở các sắc thái pianopianissimo. Tuy nhiên, ngay cả  sau những khoảnh khắc mong manh nhất và những chỗ pianissimo nhạy cảm nhất, lối chơi của anh thật đáng kinh ngạc.” Vogt đồng tình: “Về sắc thái pianissimo của anh ấy, bạn thường tự nhủ rằng anh ấy không thể nào dám chơi nhẹ hơn nữa, thế nhưng anh ấy vẫn làm được và âm thanh như treo trên sợi tóc. Tôi luôn ngạc nhiên trước lòng sự đồng cảm của anh ấy đối với sự mong manh và thậm chí cả việc bất chấp rủi ro để tìm kiếm ‘cái không đẹp’ như quan niệm thông thường. Âm nhạc không phải riêng về cái đẹp mà bao hàm mọi thứ có trên trên trái đất này.”

Khi Tetzlaff đi đến quyết định thu âm bản concerto Sibelius, đây là bản thu âm phòng thu đầu tiên của ông sau gần 20 năm, và có lẽ kinh nghiệm chơi nhạc thính phòng gia tăng đã giúp ích bởi, như anh nói, “Việc tạo kết nối trong dàn nhạc rất quan trọng – ‘Ai trao giai điệu cho tôi và tôi sẽ trao lại cho ai?’ Nếu điều đó chỉ có được thông qua nhạc trưởng nhưng một nhạc trưởng không lắng nghe các nhạc công, không hướng dẫn họ kết nối với nghệ sỹ độc tấu sẽ đang làm giảm hiệu quả này.” Ông nói về một kiểu “tam giác tình yêu” hoạt động trong một màn biểu diễn concerto lý tưởng giữa nghệ sỹ độc tấu, nhạc trưởng và dàn nhạc. “Hy vọng là anh sẽ nghe thấy chúng tôi cùng đi trên một hành trình, đặc biệt là trong các bè của dàn nhạc, tôn trọng tất cả các dấu chỉ dẫn của Sibelius; và đối với tôi ở bè violin,  đó là một tác phẩm rất hiện đại theo nghĩa là nhà soạn nhạc đưa ra rất nhiều sắc thái và dấu chỉ dẫn. Có diminuendo trên các nốt dài, mạnh đến độ tôi luôn mờ dần đi với dàn nhạc. Nó làm tôi nhớ đến diễn xuất trong những bộ phim câm đen trắng thời kỳ đầu, với những khuôn mặt hoàn toàn biểu cảm vì không có lời thoại. Và đây là thứ Sibelius mang lại cho chúng ta trong chương nhạc đầu. Chúng tôi đi theo cách tiếp cận đầy ám ảnh này bởi tôi nghĩ đây cách duy nhất để truyền tải những cảm xúc khác thường trong tác phẩm của ông.”

Trong các buổi thu âm Sibelius, Tetzlaff nhớ lại các cuộc thảo luận giữa nhạc công đã vượt xa khỏi giới hạn của các nốt nhạc trên tổng phổ. Tetzlaff nhận xét, “mặc dù thuộc các thế hệ khác nhau và có nền tảng văn hóa, tính cách khác nhau nhưng chúng tôi có cùng một ngôn ngữ. Vì vậy, có những điều tuyệt vời như thay vì nói ‘chúng ta có thể chơi Fa trưởng to hơn một chút và Rê thứ nhẹ hơn một chút không’ thì lại là ‘đây khoảnh khắc của hy vọng’ hay ‘một bóng đen phủ lên cảm giác hy vọng này’ – và nó hiệu quả! Và mọi người đều biết ‘hy vọng’ nên nghe như nào! Hoặc nên có cảm giác thế nào về sự thất vọng của đoạn tiếp theo”.

“Đây là cách chúng tôi trò chuyện với nhau trong diễn tập, và thật thoải mái khi biết rằng những gì chúng tôi đang chơi mang một phẩm chất cảm xúc rất cụ thể. Tôi thấy cả hai concerto của Beethoven và Sibelius như cặp song sinh. Việc thấu hiểu điều đó làm cho việc chơi Sibelius và Beethoven vui đến tận cùng”. □

 

Ngọc Anh lược dịch

Nguồn: https://www.gramophone.co.uk/feature/christian-tetzlaff-i-think-sibelius-did-for-his-century-what-beethoven-did-for-his

——–

1Janus: vị thần của sự khởi đầu và quá trình chuyển đổi trong tôn giáo và thần thoại La Mã cổ xưa. Ông thường được miêu tả là có hai khuôn mặt bởi nhìn cả về tương lai và quá khứ.

Tác giả