Điện ảnh của Chloé Zhao: Chúng ta bắt đầu lại từ đầu nhé?

Nếu bạn hỏi "Nomadland" được lấy cảm hứng từ đâu, Zhao sẽ nói với bạn rằng, chính là "Xuân quang xạ tiết". Trước khi làm "Nomadland", cô đã xem "Xuân quang xạ tiết" như một nghi lễ.

Trong “Nomadland”, người nữ công nhân già sau bị đẩy ra đường vì nhà máy đóng cửa đã thuê một chiếc xe van đi dọc nước Mỹ. Nguồn: studybreaks.com

Cảnh phim diễn ra như thế này: trên nền tiếng đàn bandoneon u uất của Astor Piazzola, con thác lớn ầm ầm đổ xuống, bóng một người đàn ông quay từ sau lưng, ngửa đầu đón những giọt nước hắt lên người. Và rồi là những bọt sóng xanh như một vầng mây ảo não bốc lên. Người đàn ông ấy vừa chia tay người tình, và một mình khăn gói đến con thác mà năm xưa họ từng hẹn sẽ cùng đi tới đó, thác Iguazu, và họ sẽ hạnh phúc bên nhau. Hạnh phúc bên nhau – Happy together, tên tiếng Anh của Xuân quang xạ tiết, một đỉnh cao điện ảnh lãng mạn mà Vương Gia Vệ làm năm 1997 với sự xuất hiện của hai ảnh đế huyền thoại Trương Quốc Vinh và Lương Triều Vỹ – là “bộ phim khiến ta muốn làm phim”, nói như Chloé Zhao, nữ đạo diễn gốc Hoa vừa giành nhiều giải thưởng quan trọng nhất trong lễ trao giải Oscar lần thứ 93 với tác phẩm Nomadland. Và nếu bạn hỏi Nomadland được lấy cảm hứng từ đâu, Zhao sẽ nói với bạn rằng, chính là Xuân quang xạ tiết. Trước khi làm Nomadland, cô đã xem Xuân quang xạ tiết như một nghi lễ.

Hai bộ phim có vẻ rất khác nhau. Xuân quang xạ tiết, như mọi bộ phim khác của Vương, là vinh quang muôn năm của tuổi trẻ và một thời ta trẻ. Trong khi đó, Nomadland là chuyện của người già. Xuân quang xạ tiết chói lóa những mảng màu đặc quánh, nếu xanh thì xanh đến gắt gỏng, đỏ thì đỏ đến cứa mắt, thậm chí ngay cả một căn bếp cũng tỏa ra nhiệt lượng. Còn Nomadland từ đầu chí cuối mang một màu ảm đạm, lạnh lẽo, trắng xám như một mùa đông của kỷ băng hà, bảng màu quen thuộc đã theo Chloé Zhao từ những tác phẩm đầu tay gây tiếng vang trong giới làm phim độc lập như Songs my brother taught me The Rider.   

Thế nhưng, khi đặt song song hình ảnh Lương Triều Vỹ đứng dưới dòng thác vĩ đại và hình ảnh nữ tài tử Frances McDormand trong Nomadland khỏa thân trôi theo làn nước sẫm hay đứng giữa rặng núi đá mà hét to tên mình hay từ ghế lái ngắm một con bò rừng bison lang thang trên triền cỏ, ta sẽ thấy những thước phim ấy trò chuyện với ta bằng cùng một thứ ngôn ngữ. Đó là sự nhỏ nhoi của con người, sự cuồn cuộn của tự nhiên, đó là cái đẹp vô song của thế giới, nhưng lại cũng buồn kỳ cùng, buồn vô hạn.

: Cảm hứng của Chloé Zhao được lấy “Xuân quang xạ tiết” của đạo diễn Vương Gia Vệ.

*

Sinh ra trong một gia đình khá giả ở Bắc Kinh, Chloé Zhao lớn lên trong thời điểm Trung Quốc bắt đầu mở cửa với thế giới. Những đứa trẻ Trung Quốc bắt đầu biết thế nào là văn hóa thanh niên (youth culture) và cũng như bao người khác, Zhao mê Michael Jackson và những bộ phim Hollywood. Rồi cô được gửi tới London để học, và cuối cùng dừng chân ở Mỹ. Về sau, Chloé Zhao gọi nước Mỹ là “đất nước của tôi”, nhưng dẫu thế, cô vẫn coi mình như một người ngoài.

Trên thảm đỏ Oscar, cô tết tóc hai bên, đi giày sneaker, mặc chiếc váy hơi hướm như một người du mục trên thảo nguyên Mông Cổ (dù mang hiệu Hermés), không tô cả son môi. Còn trên màn ảnh, phim của cô dẫu có tính nhân loại, nhưng bối cảnh của nó, câu chuyện của nó, không nghi ngờ gì, đặc Mỹ. Ta khó biết cô thực sự là ai, cô từ đâu đến, và đến đâu. Các nhân vật của cô cũng vậy, họ phiêu bạt hoặc trong tâm thế chuẩn bị phiêu bạt, họ bị mất dấu về cái gọi là “nhà” và lặn lội lùng sục lại nó trong một dạng thức khác, họ như một cỗ máy dò dẫm được vứt lên bề mặt một hành tinh xa lạ ngoài kia để đi tìm nước nhưng sẽ không có nước như ta vẫn thấy mà phải tìm tinh thể nước trong những cấu hình đặc biệt.

Cậu trai người Anh-điêng trong Songs my brother taught me bị giằng xé bởi mong muốn rời khỏi vùng đất ngươi da đỏ bị Chúa bỏ quên để khăn gói lên Los Angeles cùng người bạn gái. Chàng cao bồi trẻ tuổi trầm uất trong The Rider, sau một vụ chấn thương sọ não, bị buộc phải rời xa trường đua rodeo và chiếc yên ngựa, những “mái nhà” bao bọc cho giấc mơ đời cậu. Còn người nữ công nhân già trong Nomadland, một hôm bỗng thấy mình bị đẩy ra đường sau khi nhà máy nơi cô làm việc đóng cửa vì cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Cô thuê một chiếc xe van, bắt đầu cuộc hành trình đi dọc nước Mỹ. Hành trình của cô không giống như của John Steinbeck và chú chó Charley trên con xe camper mà ông đặt tên là Rocinante, tức là đi để ngắm nhìn những con người và những vùng đất ông đã viết về nó cả đời mà không thật sự biết nó ra sao, tức là đi để trả lời cho câu hỏi “Nước Mỹ ngày nay thế nào?”. Ông đi chỉ để mà đi. Fern thì đi để sống, và mỗi cây số trên đường đều có thể là nơi trú ngụ.

Con người trong phim của Chloé Zhao bị cắt đứt khỏi khái niệm “nhà” theo nghĩa hẹp và phải tự tìm chỗ của mình trong khái niệm “nhà” theo nghĩa lớn, hoặc là họ phải tự tạo nghĩa cho khái niệm “nhà”. Có lẽ vì thế mà Zhao rất thích những thước phim góc rộng quay toàn cảnh thiên nhiên bao bọc con người: con người dưới một đêm trăng xanh tím, con người cầm cây đèn lặng lẽ bước dưới bầu trời mây ánh sắc hồng cam, con người cưỡi ngựa giữa thảo nguyên miền Tây mênh mông, con người  giữa con đường cao tốc trải tới chân trời không hồi kết, con người chạy giữa những hẻm đá nơi vùng Đất Xấu khô cằn, con người dang rộng tay trước biển khơi sóng bạc đầu, con người trước những tàn lửa sau một trận phun núi lửa.

Khi không còn thuộc về đâu cụ thể nữa, con người lại thuộc về tất cả mọi nơi.

Thuộc về tất cả mọi nơi, nhưng cũng như khi ta lọt thỏm trong một chiếc áo rộng thì ta mới nhận thấy mình bé mọn, giữa một mái nhà chạm đến chân mây, con người càng biết mình cô độc đến nhường nào.

Một hình ảnh mà có vẻ Chloé Zhao rất tâm đắc, vì nó xuất hiện trong cả ba bộ phim dài duy nhất của cô đến nay, đó là một ngọn lửa bập bùng trong đêm sâu, rồi những bụi hồng tung bay như ngàn con đom đóm hay một những vì sao sa xuống. Và hình ảnh ấy đạt hiệu ứng cao nhất trong Nomadland, khi vào đêm giao thừa, Fern tự đốt những chiếc pháo bông chúc mừng năm mới cho chính mình, như những que diêm trong truyện cổ Andersen lấp lánh, nhưng không có gì hiện ra, không một giấc mơ nào xuất hiện, không gà tây dù chỉ là tưởng tượng, không gia đình dù chỉ là ảo giác, chỉ có cô và tuyết mà thôi.

Nhân vật của Chloé Zhao cô đơn đến mức khi cô tình cờ nghe được hai cha con nhà kia chơi một bản piano 4 tay, cô liền vội vã ra đi như thể biết mình chệch nhịp, hoặc cô là một nốt nhạc dôi dư không có chỗ ở đây. Họ cô đơn đến mức cầm một viên đá thủng và cố nhìn thế giới xuyên qua viên đá ấy, như thể nếu nhìn qua đó họ sẽ thấy một điều gì khác hơn là sa mạc mênh mông. Họ cô đơn đến mức thay nhau xem một chiếc kính viễn vọng để nhìn sao Mộc, tưởng như sự rộng lớn của thế giới này vẫn là chưa đủ với họ, họ cần một thế giới rợn ngợp hơn nữa cho sự cô độc bên trong nương náu. Họ cô đơn đến nỗi móc tim một con cừu ra trao nhau.

Nỗi cô đơn là chủ đề quá cũ trong điện ảnh. Nó giống như một miếng bánh mì với người đầu bếp. Ta còn có thể làm gì với nó nữa đây, tất cả những gì có thể làm, những người đầu bếp khác đã làm hết cả. Tưởng như không còn gì mới đối với những con người cô đơn. Chloé Zhao có lẽ cũng không làm nên một điều gì quá mới, ngay cả Nomadland, bộ phim hoàn chỉnh nhất đến nay của cô, cũng khó có thể gọi là một masterpiece (kiệt tác), ta đâu đó đã thấy những gì cô làm ở trong những thước phim kinh điển của Terrence Malick và cả Vương Gia Vệ, cùng sự nghẹn ngào cô nén đó, cùng sự không nói nổi nên lời đó, cùng sự bất định của cuộc đời và sự cố định của cái đẹp đó, không có gì mới cả, nhưng ta vẫn cần bánh mì, ta vẫn cần nỗi cô đơn, ta vẫn cần nhắc đi nhắc lại với mọi người rằng ta có nó, để ta cầm cự trong chuỗi ngày tồn tại của mình.

Chloé Zhao và Frances McDormand trong quá trình quay bộ phim “Nomadland”. Nguồn:abcnews

Nhưng nếu có gì đó đặc biệt về nỗi cô đơn trong điện ảnh của Chloé Zhao đó là cô không có một chân dung cố định cho kẻ phải hứng chịu cô đơn. Nói cho cùng thì các nhân vật của Vương Gia Vệ dù là một hiệp khách chốn hải ngoại hay một anh chàng thất tình ăn dứa trong một tháng, dù là một anh chàng hư hỏng bị người yêu bỏ lại nơi một xó Argentina tăm tối hay một người phụ nữ đoan chính bị chồng phản bội thì họ cũng thuộc cùng một motif: những con người xinh đẹp trong thời hoa niên tráng lệ của họ. Chloé Zhao thì khác: cô có thể làm phim về cả bà già và cậu thiếu niên, cả người da đỏ và dân da trắng (một sự đa dạng cũng chỉ có thể tìm được trong một con người luôn thấy mình là “một người ngoài”), không có mẫu số chung nào trong các nhân vật cô xây dựng, và họ cũng đối đầu với những thứ khác nhau. Các nhân vật của Vương Gia Vệ đều gặp rắc rối vì tình yêu và ký ức; các nhân vật của Chlóe Zhao, người thì đối đầu với giấc mơ tan vỡ, người thì đối đầu với hiện thực là cái nghèo, người thì đối đầu với sự giằng xé giữa nguồn cội và khao khát đổi đời. Vương Gia Vệ chỉ thấy điều mà ông muốn thấy, Chloé Zhao thấy mọi điều lọt vào mắt cô. Cô thông cảm hơn Vương và chân thực hơn Vương.

*

“Chúng ta bắt đầu lại từ đầu nhé?”, Hà Bảo Vinh (Trương Quốc Vinh) nói với Lê Diệu Huy (Lương Triều Vỹ). Cậu luôn nói câu đó sau mỗi lần nằng nặc đòi chia tay người yêu.

Câu thoại trên là câu thoại nổi tiếng nhất của Xuân quang xạ tiết.

Chúng ta có thể tưởng tượng ra những nhân vật của Chloé Zhao nói câu đó, chỉ khác là họ sẽ không nói câu đó với người tình, mà họ sẽ nói câu đó với cuộc đời của họ. 

Những con người này luôn đổ vỡ với cuộc đời. Họ từng có một mối tình đẹp với cuộc đời, nhưng cuộc đời là người bạn đời khắc nghiệt và theo thời gian, không ngừng tra tấn họ trong những nỗi đớn đau, cả về thể xác lẫn tâm hồn. Nhưng bằng cách nào đó, họ vẫn tìm cách hòa giải với nó. Chàng cao bồi với vết thương sâu hoắm nơi vỏ não cuối cùng chấp nhận bỏ cuộc thi rodeo mà cậu từng nghĩ sẽ sẵn sàng bỏ mạng vì nó chỉ để tiếp tục sống qua ngày và cưỡi trên lưng ngựa gỗ. Fern vẫn đi tiếp, chấp nhận rằng mình “chỉ có nhiêu đó cho một ngày”, không nhiều nhưng cũng đủ. Người bạn của cô sắp chết vì ung thư thì tin rằng cuộc đời đã trọn vẹn vào giây phút bà đi canoe trên Alaska nhìn những đàn nhạn từng bầy đẻ trứng. Còn cậu bé Anh-điêng trong cái ngày đáng ra phải khởi hành đi Los Angeles, cuối cùng lại chọn ở lại, và một mình giữa hoang vu, cậu độc thoại trong tâm khảm: “Nơi ta sống, những bình nguyên, vùng Đất Xấu, mọi thứ luôn giống hệt như nhau. Ai cũng có họ hàng với mình. Họ luôn lo lắng cùng một thứ. Đôi khi trời rất nóng. Bạn mệt mỏi, nhưng sẽ có những điều bạn vẫn cứ làm. Đó luôn là nơi khó để bỏ đi.”

Họ và cuộc đời đã tha thứ cho nhau, vào giây phút cuối. Và nếu có gì đó có hậu hơn Happy together, thì đó là đôi tình nhân của Happy together sau rốt sẽ mất nhau, chỉ một người đi tới tận cùng thế giới, còn những con người trong những thước phim của Chloé Zhao, khi họ hỏi xin cuộc đời rằng chúng ta bắt đầu lại nhé, cuộc đời không nói, nhưng cuộc đời đã gật đầu.

Tác giả