Kertész Imre: Sự sống sau cái chết

Bốn giờ sáng ngày 31-3-2016, Kertész Imre, giải Nobel Văn chương duy nhất của Hungary từ trước đến nay, đã từ trần tại nhà riêng tại Budapest ở tuổi 87. Có lẽ ông là nhà văn cuối cùng của thế hệ sống sót sau trải nghiệm kinh hoàng của nhân loại trong nửa đầu của thế kỷ 20: nạn diệt chủng hàng loạt người Do Thái của chủ nghĩa Đức Quốc xã mà sau này được nhắc tới dưới một khái niệm chung là Holocaust.

Nhà văn Kertész Imre. Nguồn: Hungary Today

Sau giải Nobel văn chương 2002, Kertész thực sự đã trở thành nhà văn của Holocaust, sự kiện này đã đặt lên vai ông những đòi hỏi mà ông không thể hoặc khó có thể đáp ứng nổi một cách đầy đủ, vì những gì đã diễn ra không hoàn toàn phụ thuộc vào ông. Người ta chờ đợi ở ông lời giải đáp trung thực về những gì đã gây xúc động tột cùng lương tri của nhân loại. Kertész Imre đã bước lên diễn đàn văn chương thế giới sau khi các nhà văn sống sót qua trải nghiệm lò thiêu đều đã chết. Tadeus Borowski, sinh 1922, người mà Kertész Imre nhắc tới trong diễn từ nhận giải Nobel của ông, đã mất từ năm 1951. Jean Amery, nhà văn Áo gốc Do Thái, sinh năm 1912, đã chết năm 1978. Paul Celan, sinh 1920, nhà thơ, dịch giả Rumani gốc Do Thái viết bằng tiếng Đức, đã mất tại Paris năm 1970. Sarah Cofman, sinh năm 1934, nữ văn sỹ, triết gia Pháp với nhiều tác phẩm nổi tiếng viết về đề tài này, có cha chết trong trại Auschwitz năm 1944, đã tự tử năm 1994. Primo Levi sinh 1919, nhà văn Ý gốc Do Thái, người sống sót qua trại tử thần Auschwitz, tác giả tác phẩm nổi tiếng Có được là người (Cty Nhã nam và NXB HNV liên kết ấn hành 2010) đã mất năm 1997. Có thể nói Kertész Imre, người “chuyển giao tinh thần Auschwitz”, là  người Mohican cuối cùng của thế hệ Lò thiêu.  

Nhà thơ Darvasi László đã viết về ông đại ý: Có thể thích hay không thích sự nghiệp văn chương đồ sộ của ông. Nhiều người nông cạn, hời hợt và có ý diễu cợt khi nói Kertész Imre là nhà-văn-một-cuốn-sách, ý ám chỉ ông chỉ có Không số phận và chỉ có một chủ đề duy nhất là Holocaust. Điều đó vừa đúng vừa không đúng. Vì nếu đúng là ông chỉ có, chỉ viết một cuốn sách duy nhất, thì cuốn sách duy nhất đó là bầu trời khổng lồ, đen đặc và trống rỗng. Và trong văn chương thế giới, ai có được bầu trời tăm tối đến nhường ấy?

Dịch Kertész Imre là một thử thách lớn 

Tôi đã hai lần có dịp đến trại tử thần khét tiếng Auschwitz. Lần đầu tiên là năm 1977, cách đây đã ngót nghét bốn chục năm, khi vừa tốt nghiệp đại học. Trước đó, tôi chỉ biết tới những lò thiêu hủy diệt hàng loạt người Do Thái qua những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “... Nhớ nghe em những đôi giày nhỏ/ Tưởng còn đi chập chững chân son/ Những bó tóc vàng tươi đóng bó/ Dệt thành chăn rợn bóng oan hồn…”.  Những năm tôi du học ở Hungary Holocaust là một đề tài nhạy cảm, hầu như ít được nhắc tới. Lần đầu tiên tận mắt thấy những chứng tích kinh hoàng của tội ác, sự tha hóa tột cùng, tôi đã thật sự sửng sốt, bởi những hiểu biết nông cạn củabản thân khi đó khiến tôi không thể hiểu nổi làm sao con người có thể biến thành quỷ dữ như thế. Trong suốt thời gian chầm chậm đi trong dòng người đến chiêm viếng hương hồn các nạn nhân đã từng bị hành hạ đến đau đớn tột cùng rồi bị sát hại, ngực tôi như bị đè nặng bởi một tảng đá lớn, có một cái gì đó vón cục chặn ngang cổ họng. Kinh ngạc và hãi hùng.

Lần sau tôi quay lại thăm Auschwitz là mùa thu năm 2015, sau gần bốn chục năm, khi tôi đã dịch hai tác phẩm quan trọng nhất của Kertész Imre là  Không số phận và  Kinh cầu cho một đứa trẻ không ra đời, đã qua nhiều trải nghiệm. Tôi lại bắt gặp cảm giác trên của ngót bốn chục năm về trước, gần như nguyên vẹn.

Nemes L. László, đạo diễn phim Con trai của Saul vừa đoạt giải Oscar 2016, trong lễ nhận giải Quả cầu vàng trước đó, đã nói: “Trong những năm vừa qua, Holocaust đã trở thành một khái niệm trừu tượng, nhưng đối với tôi đó là gương mặt con người, và chúng ta không bao giờ được quên gương mặt con người ấy.” Sau hai lần đến Auschwitz, đối với tôi, Holocaust không bao giờ còn là một khái niệm trừu tượng, nó là gương mặt của hàng triệu người vô tội đã trở thành tro bụi sau hơi ngạt và lò thiêu.

Cuộc đời đúng là một đạo diễn lớn: lần đầu đến Auschwitz, tôi không thể nào nghĩ mấy chục năm sau mình lại trở thành người dịch những tác phẩm văn học lớn về đề tài này. Lúc đó tôi còn chưa hề biết có một nhà văn Hungary đã đi qua trại tập trung khét tiếng này khi ông mới 14 tuổi.

Hungary có lịch sử lâu đời, có một nền văn học rất đặc sắc với nhiều tác gia tầm cỡ, nhiều người đã được đề cử giải Nobel văn chương. Nhưng tiếng Hung là một ngôn ngữ khó, nó tồn tại đơn lẻ bên cạnh các đại gia đình ngôn ngữ lớn ở châu Âu. Suốt một thời gian dài, bức tường ngôn ngữ đã ngăn trở các tác phẩm xuất sắc của văn học Hung đến với độc giả thế giới. Thế nhưng cuối cùng giây phút chờ đợi sau một thế kỷ, kể từ khi giải Nobel được trao lần đầu tiên năm 1901, đã tới. Năm 2002, khi được tin Kertész Imre được vinh danh giải Nobel văn chương, số anh em làm báo, viết văn, dịch thuật người Việt ít ỏi ở Hungary đã thực sự vui mừng. Chúng tôi nghĩ ngay tới việc làm sao chuyển ngữ được những tác phẩm chính của Kertész Imre để giới thiệu với độc giả Việt Nam.

Theo chỗ tôi được biết, mấy năm sau đó, đã có một số dịch giả bắt tay thử dịch một số tác phẩm của Kertész Imre như Không số phận, Thất bại, Nhật ký Gálya, Kinh cầu… từ các bản gốc tiếng Hung, hay từ các bản dịch tiếng Anh và tiếng Đức, nhưng cuối cùng đều bỏ dở.

Một phần, tôi nghĩ, vì các tác phẩm của Kertész không dễ tiếp cận, thậm chí có những chỗ “không thể hiểu nổi”, mặt khác vì tiếng Hung đã khó, ngôn ngữ và cách viết của Kertész còn khó hơn. Cách tư duy của ông kế thừa cách kể truyện Do Thái truyền thống, cách tư duy phức tạp của các nhà văn Hung hiện đại và lối tư duy logic, chặt chẽ của tư tưởng Đức. Đề tài Holocaust lại khá xa lạ đối với đọc giả Việt Nam. Do đó việc chuyển ngữ các tác phẩm của Kertész Imre ra tiếng Việt quả là một thử thách rất lớn đối với các dịch giả.

Khi được NXB yêu cầu chuyển ngữ Không số phận, tôi đã bỏ ra rất nhiều công sức và sự kiên nhẫn để hoàn thành bản dịch này, vì tôi biết Kertész Imre đã bỏ ra mười ba năm để viết Không số phận, một tác phẩm có dung lượng nhỏ vỏn vẹn hơn ba trăm trang sách. Tôi hiểu rằng ông đã trăn trở, suy nghĩ rất nhiều để tìm tòi và sáng tạo ra thứ ngôn ngữ riêng cho tác phẩm. Đó là giọng văn tưng tửng, nhẹ nhàng, chậm rãi và từ tốn, khách quan và bình thản như đứng ngoài sự kiện. Ông không muốn hướng dẫn người đọc mà để họ tự cảm nhận và rút ra kết luận cho riêng mình. Như nhà văn Spiró György nhận xét: đọc Không số phậnchúng ta nhận được một điều gì đó khác với những điều chúng ta có thể chờ đợi ở một tiểu thuyết thông thường, cũng như một tiểu thuyết về tù ngục: đó là triết lý sinh tồn, gần như làm nổ tung những giới hạn của văn học.”

Sau Không số phận, tôi bắt tay vào dịch Kinh cầu cho một đứa trẻ không ra đời, tác phẩm sau cùng của bộ ba (trilogy) nổi tiếng đã nói tới ở trên. Trong Kinh cầu cho một đứa trẻ không ra đời, Kertész đã cố gắng đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi: Sau trải nghiệm lò thiêu con người ta có thể sống như thế nào? Cách viết, hay văn phong, ngôn ngữ của tác phẩm này chịu ảnh hưởng sâu sắc của phong cách âm nhạc Fuga (fugue), còn gọi là tẩu khúc hay tẩu pháp, một trong những dạng quan trọng nhất của đối âm (counterpoint), mộtnghệ thuật sáng tác âm nhạc đa bè đa âm, đã phát triển qua hàng thế kỷ và đạt tới đỉnh cao vào thế kỷ 18. Bản chất của thể loại âm nhạc này là sự lặp lại, đuổi nhau của nhiều âm, nhiều bè qua nhiều nhịp trong một tiết nhạc ngắn hay một chương dài hơn, bè nọ tồn tại một cách độc lập tương đối với bè kia trên nền của những âm thanh khác gần gũi với chúng. Cách viết chịu ảnh hưởng của thể loại nghệ thuật này khiến câu văn nhiều khi cuồn cuộn, trào dâng như nham thạch, nhiều khi trùng lặp, được nâng cấp độ lên dần, có khi bị níu kéo trở lại. Chưa khi nào tôi gặp một văn bản khó dịch như vậy, nhiều lúc tưởng chừng không thể chuyển tải nổi thứ văn phong rắc rối, đa tầng ý nghĩa, phức tạp đến thế. Tôi đã phải đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần, nghiền ngẫm từng câu, từng chữ, từng đoạn ngắn, rồi tham khảo cách xử lý của bản dịch tiếng Anh để cuối cùng có thể hoàn thành bản dịch này.

Kinh cầu cho một đứa trẻ không ra đời là một tác phẩm đặc sắc, một bản án đặc biệt viết với một bút pháp độc đáo của một nhà văn lớn, có sức ám ảnh mạnh mẽ và sâu sắc. Tôi đã dịch tác phẩm đặc biệt này như người mạo hiểm dám khám phá một ngọn núi lạ, bí ẩn và rậm rạp. Khi hoàn thành bản dịch, như kẻ mộng du đã trèo được lên đỉnh núi, tôi nhìn lại và không hiểu mình đã vượt qua chặng đường gai góc kia như thế nào.

Người dịch chỉ dám hy vọng cả hai bản dịch đã chuyển tải được nội dung tư tưởng và phần nào ý đồ nghệ thuật quan trọng nhất của một nhà văn lớn, có văn phong cực kỳ phức tạp và dị thường.

Kertész Imre: bản án đối với các chế độ toàn trị   

Sống sót qua đại nạn Holocaust, chứng kiến cái chết đau đớn, phi lý của hàng triệu đồng bào mình, thoát chết từ nền độc tài toàn trị phát-xít, khi quay về Tổ quốc, Kertész Imre không ngừng đấu tranh cho tự do. Ông đã chọn con đường trở thành nhà văn, dùng ngôn ngữ để chuyển giao tinh thần Auschwitz cho các thế hệ mai sau.

Kể từ khi Không số phận bị các nhà xuất bản từ chối không in, trở thành một nhà văn ngoài lề giới văn chương chính thống, tới khi tác phẩm được vinh danh, được trao giải Nobel “vì một sự nghiệp văn chương phản ánh trải nghiệm mong manh của cá nhân, đối lập với sự đọc tài tàn bạo của lịch sử”, trong ông vẫn đau đáu một nỗi niềm: viết về con người và vì con người. Bất chấp mọi sự kỳ thị, thất bại, nghèo khổ, trong mấy thập kỷ kéo dài không được sự thừa nhận của văn giới chính thống và chính quyền đương thời, nhưng ông không bao giờ từ bỏ giấc mơ trở thành nhà văn. Ông từng nói: “Tôi luôn muốn chết, và thay vào đó tôi lại viết một cuốn sách.”

Ông đã sống và viết đúng như Márai Sándor, một nhà văn lớn Hungary khác mà sinh thời Kertész Imre rất kính trọng, đã có lần thổ lộ:

Đối với một nhà văn, cuộc sống đời thường gần như không thể chịu đựng nổi, cũng như cuộc sống văn chương. Đâu đâu cũng thấy cạm bẫy, dao găm và dây thép. Thế giới quanh anh ta đầy những sự thù nghịch. Người ta muốn giết, muốn đè bẹp, muốn anh câm lặng: những đồng nghiệp cũng như các nhà cầm quyền.

Nhưng nhà văn trả thù, và không có cách gì ngăn cản nổi sự trả thù này. Nhà văn không thể đứng ra giải thích thế này thế nọ, vì nếu thế anh sẽ trở nên lố bịch và thất bại. Nhưng sự trả thù của nhà văn là không thể chống đỡ nổi. Sự trả thù duy nhất đó là gì? Đó là nhà văn ngồi ở nhà hay tự giam mình trong một căn buồng kín, và viết.”

Và kết quả là gần ba chục ngàn trang viết ông để lại, các tác phẩm của ông chính là bản án đanh thép, không khoan nhượng của lương tri con người đối với các chế độ toàn trị.

Một sự ngẫu nhiên thú vị: Không số phận được ra mắt ở Việt Nam cùng với Bốn mùa, Trời và Đất, một tuyệt tác của Márai Sándor. Trong buổi giới thiệu sách mà những người tổ chức đã đặt cho nó một cái tên rất hay và gợi cảm là “Hai cây tiêu huyền vĩ đại của văn học Hungary” ấy, một bạn đọc đã hỏi tôi: “Liệu có thể coi Kertész Imre là một nhà văn Hungary?”. Một câu hỏi thoạt nghe có vẻ vô lý, nhưng ngẫm kỹ không phải không có lý.  Kertész Imre là nhà văn sinh ra và lớn lên ở Hungary, những tác phẩm chính của ông đều được viết bằng tiếng Hungary. Có thể nói, với giải Nobel văn chương, bằng văn nghiệp của mình ông đã mang lại vinh quang cho đất nước Hungary. Nhưng trớ trêu thay, ở chính Hungary ông chỉ có một lượng độc giả nhỏ, ông chỉ thực sự được công nhận và tỏa sáng ở nước Đức, rồi ở châu Âu và trên thế giới sau khi các tác phẩm chính của ông được dịch ra tiếng Đức, rồi tiếng Anh. Ông đã nhiều năm rời bỏ Hungary, chuyển sang sống ở Berlin. Trong nhiều dịp trả lời phỏng vấn báo chí, ông đã có nhiều phát biểu gây tranh cãi về đất nước quê hương ông. Ông cho rằng, những năm gần đây ở Hungary các thế lực cực hữu và bài Do Thái đã lên nắm quyền, nhiều quyền tự do và dân chủ đã bị tước đoạt. Budapest không còn là một thành phố lớn tầm cỡ thế giới và không còn là môi trường thích hợp cho các sáng tác của ông.

Nhưng những năm cuối đời, dường như ông đã tha thứ cho quê hương: ông đã quay về sống và chết ở Budapest. Dù thế nào, theo tôi, trước sau Kertész Imre vẫn là một nhà văn Hungary, hay đúng hơn: Ông nhà văn Hungary gốc Do Thái, là đại diện xuất sắc của thế hệ các nhà văn châu Âu sống sót sau trải nghiệm kinh hoàng Holocaust, những nhà văn viết về cuộc sống sau cái chết.

Kertész Imre sinh ngày 9-11-1929 tại thủ đô Budapest, Hungary. Năm 1944, khi mới 14 tuổi ông bị bắt đưa sang trại tập trung Auschwitz, sau đó đưa sang trại Buchenwald. Sau khi trại tập trung này được quân đội Mỹ giải phóng ngày 11-4-1945, ông trở về Budapest. Tốt nghiệp trung học năm 1948, ông là một trong số ít các nhà văn nổi tiếng không theo học một trường đại học nào. Từ năm 1948-1950, ông là cộng tác của các báo Világosság (Ánh sáng) và Esti Budapest (Budapest buổi chiều). Năm 1951 là công nhân nhà máy, từ 1951-1953 làm việc tại phòng tuyên truyền của Bộ Mỏ và Cơ khí, từ năm 1953 trở đi ông là dịch giả và nhà văn tự do. Thành thạo tiếng Đức, từ sau năm 1953 ông đã dịch nhiều tác phẩm của các nhà văn Đức và Áo như Elias Canetti, Sigmund Freud, Hugo von Hoffmansthal, Fredrich Nietzsche, Joseph Roth, Arthur Schnitzer… sang tiếng Hung. Cũng trong những năm đó trải nghiệm kinh hoàng về Lò thiêu được ông nung nấu, trở thành đề tài chính trong toàn bộ sự nghiệp văn chương của ông đến cuối đời. Trong một thời gian khá dài các tác phẩm của Kertész không nhận được sự quan tâm của cả công chúng lẫn giới phê bình trong nước. Tiểu thuyết đầu tay Không số phận được ông thai nghén trong những năm từ 1955-1960 và được viết trong 13 năm, từ 1960-1973 đã bị các NXB từ chối không in. Những năm sau đó là thời gian Kertész sống trong ghẻ lạnh và nghèo khó, ông đã viết tiểu thuyết Thất bại để ghi lại những năm tháng cùng cực này. Cùng với Kinh cầu cho một đứa trẻ không ra đời, các tác phẩm trên đã trở thành bộ ba quan trọng nhất trong di sản văn học đồ sộ của nhà văn. Cho tới năm 1975, Không số phận được in, được dịch ra các thứ tiếng quan trọng ở châu Âu, nhận được nhiều giải thưởng danh giá ở nước ngoài, và năm 2002 Kertész Imre được trao Giải Nobel văn chương, cũng là giải Nobel văn chương duy nhất của văn học Hungary cho tới nay.

Budapest, 10-4-2016

Tác giả