Maria Yudina: Một chuẩn mực của tài năng và lòng tốt

Maria Yudina ít được biết đến bên ngoài Liên Xô nhưng nếu chúng ta lắng nghe bà, chắc chắn chúng ta sẽ đồng ý với nhận định rằng đây là một trong những nghệ sĩ piano lớn nhất của thế kỷ 20.


Nghệ sĩ Maria Yudina. Nguồn: radiosurvivor.com

Coi thường những giá trị vật chất và không quan tâm đến ngoại hình của mình, Maria Yudina khiến khán giả sửng sốt với bề ngoài khó nhìn, luôn biểu diễn với một chiếc váy đen, đi một đôi giày thể thao sờn cũ và đeo một cây thánh giá lớn trên ngực, gợi nhớ đến trang phục của các nữ tu. Đó cũng là trang phục thường ngày của Yudina. Bà không thách thức bất kỳ ai, không cố tỏ ra một thiên tài lập dị trước mặt khán giả. Bà chỉ đơn giản là không quan tâm đến các quy tắc. Nhưng khi bà ngồi vào đàn, những nốt nhạc đầu tiên vang lên, khán giả sẽ quên đi những định kiến ngoại hình và đắm chìm vào thế giới thần thánh trong âm nhạc của bà. Thật đáng tiếc khi bà hầu như chỉ biểu diễn trong nước. Những bản thu âm của Yudina khá hiếm hoi và thường có chất lượng không tốt. Chính vì vậy, bà ít được biết đến bên ngoài Liên Xô. 

Một quan điểm khác lạ

Maria Yudina sinh ra trong một gia đình Do Thái tại Nevel, Vitebsk, một vùng đất thuộc Đế quốc Nga (ngày nay chủ yếu thuộc về Belarus, phần Tây Bắc thuộc Latvia và phần Đông Bắc thuộc Nga) vào ngày 9/9/1899 trong gia đình có cả bố và mẹ đều không hoạt động âm nhạc. Bà có hai anh trai, một chị gái và hai cô em gái (trong đó có một người cùng cha khác mẹ). Ngay từ khi còn nhỏ, cô bé Maria đã nổi bật với tính cách đầy nhiệt huyết, sôi nổi với sở thích đa dạng, không bao giờ bó hẹp chỉ trong phạm vi âm nhạc. Khi lên 6 tuổi, cô làm quen với cây piano khi bắt đầu những bài học đầu tiên với Frieda Teitelbaum-Levinson, một học trò của Anton Rubinstein. Năm 1912, cô bắt đầu theo học tại Nhạc viện Rimsky-Korsakov, Saint Petersburg dưới sự hướng dẫn của Anna Yesipova và Leonid Nikolayev. Ngoài ra cô còn theo học lớp học tư của Felix Blumenfeld. Ngoài piano, Yudina còn theo học lý thuyết âm nhạc và nghiên cứu tổng phổ. Những người bạn học của bà thời gian này là Dmitri Shostakovich và Vladimir Sofronitsky. Chỉ một năm sau, cô bé đã có chương trình biểu diễn đầu tiên của riêng mình. Trong quá trình học tại nhạc viện, năm 1919, cô đã cải đạo từ đạo Do Thái sang đạo Chính thống Nga.

Năm 1920, Yudina tốt nghiệp nhạc viện với một buổi hòa nhạc với các tác phẩm của Bach, Beethoven, Liszt và Glazunov. Glazunov, giám đốc nhạc viện lúc đó, đã viết trong đánh giá của mình về buổi hòa nhạc tốt nghiệp này: “Một tài năng to lớn và điêu luyện… Forte đôi khi quá mãnh liệt… Kết luận: Rất tốt +”. Những nốt forte quá mạnh mẽ của bà như một biểu hiện của sự nổi loạn mà chúng ta sẽ còn bắt gặp rất nhiều trong các bản thu âm còn lại của bà. Sau khi tốt nghiệp, Yudina được nhà trường mời và đồng ý ở lại khoa piano của nhạc viện. Cô thường xuyên tham dự các bài giảng tại khoa lịch sử – ngữ văn của Đại học Tổng hợp Petrograd và hoàn thành các nghiên cứu về thần học tại đây. Các vấn đề đạo đức của đạo Do Thái và Chính thống luôn gần gũi với Yudina và dẫn đến một thái độ đầy khổ hạnh và nhiệt thành trong việc phục vụ người dân – chủ yếu bằng ngôn ngữ âm nhạc. Sau này bà kết bạn với nhà thần học đạo Chính thống Pavel Florensky và sự qua đời của ông vào năm 1937 vì sự đàn áp của chủ nghĩa Stalin đã ảnh hưởng to lớn đến sự hình thành tinh thần và sứ mạng nghệ thuật của cô. Yudina cũng rất quan tâm đến văn học và sân khấu, đặc biệt là những tác phẩm đương đại mà sau này đã bị cấm.

Thập niên 20 của thế kỷ 20 chứng kiến sự thăng hoa trong sự nghiệp biểu diễn cũng như giảng dạy của Yudina. Bà liên tục có những buổi hòa nhạc độc tấu cũng như trình diễn cùng dàn nhạc. Năm 1923, Yudina được phong làm giáo sư tại nhạc viện. Tuy nhiên, quãng thời gian này cũng bộc lộ những quan điểm mâu thuẫn giữa bà và giới chức cầm quyền. Năm 1925, trong một bảng câu hỏi dành cho các nhà sư phạm tại nhạc viện, có câu về thành viên và sự ủng hộ đối với Đảng Cộng sản, Yudina trả lời: “Tôi không thuộc về nó vì quan điểm tư tưởng và tôn giáo của tôi”. Ngày 9/3/1930 chứng kiến một trong những buổi biểu diễn nổi tiếng nhất của Yudina. Trong một chương trình hòa nhạc tại phòng hòa nhạc lớn của Leningrad Philharmonic, Yudina đã chơi các tác phẩm: Piano sonata số 14 “Ánh trăng” của Beethoven, intermezzo của Brahms, piano sonata số 3 của Chopin, piano sonata số 4 của Prokofiev và Những bức tranh trong phòng triển lãm của Mussorgsky. Đám đông khán giả đã đứng chật kín phòng hòa nhạc, ra cả đến đại lộ Nevsky cùng với những bông hoa nhỏ, tượng trưng cho đạo Chính thống được rải khắp khán phòng. Tuy nhiên, ngay sau đó, Yudina đã phải trả lời rất nhiều câu hỏi từ phía giám đốc phòng hòa nhạc. Và những câu trả lời của bà cùng với những lời bôi nhọ khác đã được in thành một bài báo trên tờ “Báo đỏ” với tựa đề: “Thói quen của bà sơ tại nhạc viện” (bà sơ chính là Yudina vì cách ăn mặc của bà). Cuối bài báo, tòa soạn đặt ra câu hỏi: “Điều gì xảy ra trong trường học Xô viết ngày nay, cùng nhau phản đối giai cấp công nhân chống lại đạo Chính thống Nga, các tu sĩ, giáo sĩ, mục sư đạo Cơ đốc?”. Ngày 6/5/1930, bà bị nhạc viện sa thải.


Nghệ sĩ Maria Yudina học cùng lớp với nhà soạn nhạc Dmitri Shostakovich. Nguồn: classicfm.com

Leningrad xua đuổi bà nhưng Tbilisi lại dang tay đón nhận. Nhạc viện Tbilisi đảm bảo cho bà một vị trí tại đây cũng như tạo điều kiện để bà Yudina thực hiện các buổi hòa nhạc. Trong thời gian này, bà thường chơi hòa tấu 2 piano hoặc 4 tay với người bạn thân Sofronitsky. Đạo diễn lừng danh Andrei Tarkovsky nói rằng với những nghệ sĩ Nga, sáng tạo luôn là một sứ mệnh, một bổn phận đạo đức, đó không bao giờ là sự đồng cảm với những kỹ thuật điêu luyện và những thủ thuật hình thức. Với Yudina, mặc dù được trời phú cho kỹ thuật phi thường nhưng không bao giờ bà lạm dụng nó mà thường dùng nó để “vẽ lên các biểu tượng âm nhạc” của riêng mình. Sở hữu một phong cách rất đặc trưng, tiếng đàn của bà là không thể lẫn với bất kỳ ai khác. Đam mê kiến trúc và thơ ca, Yudina thường được mô tả là thiết kế lên các công trình âm nhạc của riêng mình, bà thường nói: “Đây là cột, đây là vòm và ở đây là nhịp điệu phát triển theo trình tự không gian và thời gian”.

Năm 1933, bà đến Moscow và biểu diễn nhiều tác phẩm mới của các nhà soạn nhạc Liên Xô, đáng chú ý có bản piano concerto số 2 của Prokofiev với nhạc trưởng Jascha Horenstein. Sau đó bà còn nhiều lần biểu diễn tại tác phẩm này dưới sự chỉ huy của Leo Ginzburg và chính nhà soạn nhạc. Prokofiev tỏ ra rất yêu thích màn trình diễn của Yudina, ông đã tặng bà bản nhạc Things in themselves, Op. 45 (những điều cho chính họ) cho piano độc tấu mà Yudina thường chơi như một encore trong các chương trình của mình. Bà thường xuyên chơi các tác phẩm đương đại của Berg, Stravinsky, Shaporin và người bạn của mình Shostakovich. Trong suốt cuộc đời mình, bà luôn là một người ngưỡng mộ âm nhạc của Stravinsky và Shostakovich. Yudina là một người cấp tiến, bà luôn tỏ ra ngưỡng mộ các trào lưu âm nhạc hiện đại đang bao phủ khắp châu Âu nhưng không được chính quyền Xô viết ủng hộ. Năm 1936, với sự giúp đỡ của Heinrich Neuhaus, bà được nhận vào giảng dạy tại Nhạc viện Tchaikovsky, Moscow cho đến năm 1951. Từ năm 1944, bà cũng dạy học tại Viện âm nhạc Gnessin (nay là Học viện âm nhạc Gnessin).

Một phong cách khác lạ

Thập niên 1930 và 1940 chứng kiến sự hoạt động vô cùng năng nổ của bà, đặc biệt trong những năm tháng chiến tranh. Giống như nhiều nghệ sĩ vĩ đại khác, Yudina thường xuyên biểu diễn trên đài phát thanh để đưa âm nhạc tới tiền tuyến. Nhiều lá thư gửi tới bà, cảm ơn vì đã được thưởng thức những chương trình tuyệt vời, trong đó có đoạn viết: “Chúng tôi đã nghe bà biểu diễn Choral Fantasy của Beethoven. Chúng tôi đã được tiếp thêm sức mạnh. Cảm ơn bà. Chúng tôi đảm bảo rằng chúng tôi sẽ bảo vệ nền văn hóa Xô viết, trong đó có bà. Lính bắn tỉa Antonov và Terentiev”. Bà cũng có mặt tại Leningrad thân yêu trong những năm tháng ác liệt nhất để tổ chức các buổi hòa nhạc, trên đài phát thanh và ở mặt trận.

Khi nói đến Yudina, luôn có những câu chuyện về bà và Stalin. Một đêm, Stalin nghe qua đài phát thanh Yudina chơi piano concerto số 23 của Mozart. Ông rất thích và yêu cầu có một bản thu âm. Tuy nhiên, đó là chương trình phát thanh trực tiếp. Nhưng không một ai dám nói “không” với Stalin. Vậy là ngay trong đêm hôm đó, tất cả mọi người đều bị dựng dậy, nhạc trưởng, dàn nhạc, Yudina, các kỹ sư thu âm. Và sáng hôm sau, Stalin nhận được bản thu âm của mình và ông trở thành người hâm mộ bà kể từ đó. Bà được trao giải Stalin và được thưởng 20.000 rúp, nhưng Yudina đã trao nó cho nhà thờ Chính thống Nga để cầu nguyện cho tội lỗi của Stalin. Hay trong bộ phim “Cái chết của Stalin” năm 2017 của đạo diễn người Scotland Armando Iannucci có chi tiết trước khi chết, Stalin nhận được bức thư của Yudina: “Joseph Vissarionovich Stalin, ông đã phản bội đất nước của chúng tôi và tiêu diệt những người dân. Tôi cầu nguyện cho cái chết của ông và cầu Chúa tha thứ cho ông. Bạo chúa”. Tất cả những chi tiết trên có lẽ không có thật nhưng phần nào khắc họa nên trình độ nghệ thuật biểu diễn, lòng mộ đạo và tính cách đối chọi mạnh mẽ với nhà cầm quyền Xô viết của Yudina.


Amazon phát hành album của Maria Yudina từ bản thu âm các tác phẩm của Bach, Mozart, Beethoven, Schubert cho hãng Melody. Nguồn: Amazon

Nếu chúng ta nghe các bản thu âm còn tồn tại của Yudina, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra đa phần sẽ là một tốc độ chậm hơn bây giờ. Tiếng đàn của bà ẩn chứa một sức mạnh tinh thần phi thường, nền tảng kỹ thuật cơ bản vô cùng điêu luyện nhưng được sử dụng một cách tự do, không gò bó tạo nên một tính cách rất đặc trưng. Sviatoslav Richter đã nhận xét về bà: “Bà vô cùng tài năng và là người ủng hộ nhiệt thành cho âm nhạc của thời đại mình. Bà chơi Stravinsky, người mà bà rất yêu mến, Hindemith, Krenek và Bartók vào thời điểm mà những nhà soạn nhạc này không những không được biết đến ở Liên Xô mà còn bị cấm đoán. Khi bà chơi nhạc Lãng mạn, thật ấn tượng, ngoại trừ việc bà không chơi những gì đã được viết ra. Weinen und Klagen của Liszt (biến tấu trên chủ đề Weinen, Klagen, Sorgen, Zagen của Bach) là một hiện tượng. Nhưng piano sonata giọng Si giáng trưởng của Schubert, ngược hẳn lại những gì đáng lẽ nó phải có và tôi nhớ một lần bà chơi Nocturne số 2 của Chopin, nó hào hùng đến nỗi âm nhạc không còn là piano nữa mà là trumpet. Đó không phải là Schubert hay Chopin. Đó là Yudina”. Trong một đĩa nhạc của Yudina được Melodya phát hành có ghi chú câu nói của Shostakovich về màn biểu diễn của bà trong các Prelude và Fugue của mình: “Đây hoàn toàn không phải là những gì tôi đã viết, nhưng làm ơn: hãy chơi nó như thế. Làm ơn – hãy chơi như vậy”. Phản ứng của Shostakovich là những gì ngắn gọn nhất có thể mô tả về nghệ thuật trình diễn piano của Yudina: siêu hình, một tầm nhìn mạch lạc, cá tính về tác phẩm, một trí tuệ đáng kinh ngạc. Nhiều nhà phê bình tại Liên Xô khi đó phê phán bà là quá “lý trí”, thiếu đi sự cân đối và quá đề cao bản thân. Nhìn vào cách diễn giải của bà, ta có thể thấy được sự từ bỏ có ý thách thức nhưng dựa trên những tính toán cẩn trọng đối với các khuân mẫu truyền thống. Bà chỉ đơn giản giải thích cho sự lựa chọn của mình: “Khi một nghệ sĩ cố gắng biểu đạt, họ không nghĩ đến sự đúng đắn, mà đặt những thứ không phù hợp với nhau, điêu khắc chúng, nhấn mạnh vào những điểm không nhất quán và từ đó đạt được hiệu quả như mong muốn”.

Trong thời gian học tập và giảng dạy ở Leningrad, bà đã có cơ hội được biểu diễn với một số nhạc trưởng phương Tây như Dmitri Mitropolos hay Otto Klemperer. Bà rất mơ ước được đến Tây Âu để tìm hiểu nền âm nhạc hiện đại đang tỏa sáng ở đó, thứ mà bà vô cùng yêu quý, ngưỡng mộ và quảng bá mạnh mẽ và phải trả giá bằng chính công việc của mình. Tuy nhiên, bà chỉ được hai lần ra nước ngoài, năm 1950 tới Đông Đức, dự lễ kỷ niêm 200 năm ngày mất của Bach và năm 1954 để dự lễ kỷ niệm tình hữu nghị Liên Xô – Ba Lan. Những lời mời biểu diễn từ khắp nơi trên thế giới được gửi tới bà nhưng đáp lại chỉ là những lời từ chối của những người có chức trách. Là một người mộ đạo, trong dịp tới Leipzig, bà đã đi chân trần qua một nửa thành phố để tới mộ của nhà soạn nhạc.

Năm 1960, bà bị trường Gnessin sa thải vì các hoạt động tôn giáo, chơi nhạc “phương Tây suy đồi” (trong đó có Stravinsky) và do đó “làm hư hỏng thanh niên Liên Xô”. Tháng 9/1962, Stravinsky đã quay trở lại nước Nga lần đầu kể từ năm 1914. Ngày 6/10, hai người đã gặp nhau và đó là một trong những khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong cuộc đời bà. Yudina vẫn biểu diễn nhưng không được thu âm. Trong một chương trình tại Leningrad, thay vì chơi một encore, bà đã đọc thơ Boris Pastenak. Vì vậy, Yudina đã bị cấm biểu diễn trong năm năm. Khi trở lại vào năm 1966, bà được mời nói chuyện về âm nhạc Lãng mạn tại nhạc viện Tchaikovsky. Trong khoảng thời gian này, bà vẫn luôn trao đổi thư từ với những nhà soạn nhạc đương đại chưa từng gặp mặt như Karlheinz Stockhausen, Pierre Boulez đến Luigi Nono hay Olivier Messiaen.

Một lòng tốt vô biên

Yudina được biết đến như là một người không giữ lại cái gì giá trị cho bản thân. Bà sẽ tức giận nếu khán giả đem tặng bà những bó hoa sang trọng. Những thứ bà được tặng sẽ nhanh chóng được bán hoặc mang tới tiệm cầm đồ. Yudina kiếm được tiền từ việc dạy và biểu diễn piano nhưng bà luôn sống trong cảnh nghèo túng. Đối với bà, việc giúp đỡ những người khác: tù nhân chính trị, bạn bè vả cả những người không quen biết, không phải là một đức tính tốt mà chỉ là một sự chuẩn mực. Thậm chí bà còn mượn tiền của bạn bè để mang đến cho những người khác.

Buổi biểu diễn cuối cùng của Yudina diễn ra tại phòng hòa nhạc mang tên Tchaikovsky, Moscow vào ngày 12/3/1968. Trong đêm nhạc, một lần nữa bà lại thể hiện tình yêu của mình với âm nhạc của Stravinsky. Bà trình diễn phiên bản dành cho piano của vở ballet Orpheus. Bà bị một tai nạn ô tô tại Moscow và qua đời vào ngày 19/11/1970. Nhờ có sự đề nghị của Shostakovich, lễ tang mới được diễn ra tại đại sảnh đường của nhạc viện Moscow. Một số nghệ sĩ piano, trong đó có Richter đã chơi bên linh cữu bà. Một vài ngày sau đám tang, cây piano Bechstein trong nhà của bà đã bị mang đi do hết hạn thuê. Cây đàn trước đó đã được Yudina bán đi để trợ giúp những hoàn cảnh khó khăn. Bà có lẽ là nghệ sĩ piano nổi tiếng duy nhất trên thế giới không có nhạc cụ của riêng mình.

Các nhà lãnh đạo Liên Xô cố gắng áp đặt hình ảnh của một nhà bất đồng chính kiến ​​lên Yudina. Nhưng thực tế bà không quan tâm đến chính trị, bà không viết thư phản đối, không kêu gọi biểu tình. Nếu bà đọc những bài thơ của Pasternak, cổ vũ cho âm nhạc đương đại phương Tây, đó chỉ vì đơn giản là bà thích chúng. Với Yudina, tôn giáo và âm nhạc là những thứ mà bà tôn thờ. Bà cả đời không kết hôn, phương châm sống của bà là: “Tôi chỉ biết một con đường đến với Chúa – đó là thông qua nghệ thuật. Tôi không nói cách của tôi là phổ biến, tôi biết còn có những cách khác. Tuy nhiên, với tôi, đó là cách duy nhất”. Thật tiếc khi di sản của một trong những nghệ sĩ piano tuyệt vời nhất thế giới để lại khá ít ỏi. Nếu những nhà quản lý văn hóa Xô viết cởi mở hơn, Yudina có lẽ sẽ nổi tiếng không kém gì những đồng nghiệp nam như Richter hay Gilels. Nhưng những gì còn sót lại: những bản ghi âm, những bài nói chuyện, những bức thư cũng phần nào cho hậu thế hiểu và cảm nhận được về tài năng và đức hạnh của một trong nghệ sĩ piano đáng ngưỡng mộ nhất trên thế giới.□

Tác giả