“Người mắt kép”: Thì ra thế giới là như vậy

Khi Gabriel García Márquez bắt đầu với chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, đó dường như là lựa chọn duy nhất có đủ khả năng mô tả cái thế giới mà ông đang sống, thế giới “quá gần đây đến mức rất nhiều thứ thiếu một cái tên”. Tất cả những sự vật thuộc thời đại hậu thực dân ấy, từ ống điếu đến kính lúp đến những đồn điền chuối trong Trăm năm cô đơn đều lập dị, đầy ma thuật và chỉ có thể được kể bằng một phương thức tự sự gypsy thần bí.

Ấn bản “Người mắt kép” (Phanbook và NXB Hội Nhà văn), dịch giả Nguyễn Phúc An. Nguồn: Netabook.           

Chúng ta cũng đang sống trong một thời đại lạ lùng như thế, những cụm từ “biến đổi khí hậu” hay “nóng lên toàn cầu” mới chỉ có lịch sử được vài chục năm, tuổi đời còn không bằng một bản nhạc của Michael Jackson nữa, và rất nhiều thứ đã có tên nhưng ngoài cái tên thì chúng chẳng có gì. Chỉ mới tuần trước, tôi biết được rằng giấy ướt và túi vải không dệt đều làm từ nhựa, và bất giác cảm thấy như mình là chàng thổ dân Atile’i của Wu Ming Yi (Ngô Minh Ích) khi đặt chân lên đảo rác lần đầu, thấy một cây bút, thấy một hộp thiếc, những thứ cậu chưa từng thấy bao giờ, thứ nào cũng kỳ diệu, và nhận ra cậu vốn dĩ hoàn toàn tù mù, hoàn toàn lơ mơ về vạn vật ngoài kia. Giây phút đó, tôi biết nhân vật Atile’i không chỉ đại diện cho một tộc người cổ xưa, một quá khứ nguyên thủy của nhân loại, mà cậu ta còn là một trạng thái sống ngây thơ trước thế giới đang lộ mình, ngây thơ như đại tá Colonel Aureliano Buendía trong một buổi chiều lần đầu tiên khám phá ra nước đá. Và nếu các nhà văn Mỹ Latin không thể không tạo nên hiện thực huyền ảo hậu thực dân, thì Wu Ming Yi không thể không mở ra không gian hiện thực huyền ảo sinh thái, với tiểu thuyết Người mắt kép.

Mọi thế giới mới đều bắt đầu từ những lãng nhân. Huckleberry Finn lênh đênh trên con bè và khởi lên huyền thoại Mỹ. Chính trong Trăm năm cô đơn, José Arcadio Buendía dắt vợ đi lang thang qua những cánh rừng và khi nghỉ ngơi bên một bờ sông, ông đã nằm mơ thấy Macondo và quyết định cắm dùi ngay tại đó. Còn trong Người mắt kép, Atile’i dong buồm rời khỏi hòn đảo Wayo Wayo, một hòn đảo như lọt ra từ một đoạn đã mất của thần thoại, nơi người ta chào nhau bằng câu hỏi “Hôm nay thời tiết trên biển trong lành không?”, nơi người ta còn tin vào thần tính. Atile’i đáng ra đã chết nếu không đâm phải một hòn đảo khổng lồ làm từ rác thải. Cùng lúc ấy, ở Đài Loan, Alice, một người phụ nữ sống trong một ngôi nhà sát biển nơi mỗi năm thủy triều lại lấn sâu hơn một chút, và ngày ngày cô có thể ngồi trên một chiếc ghế trong khi cá bơi lượn dưới chân.

Và rồi có một người leo núi rớt xuống từ lưng chừng vách đá và không bao giờ trở lại, một đứa trẻ đi tìm bọ hung cánh dài mất tích khi đuổi theo lũ nai để tìm cha, một người phụ nữ biết hát A hard rain’s gonna fall và là chủ một quán ăn bị tàn phá bởi hòn đảo rác, một người kỹ sư phá núi bị ám ảnh vĩnh viễn bởi một âm thanh kỳ quặc trong hang, một người thợ săn cá voi bị chấn động trước cái chết của một con hải cẩu, một người Bunun trở về với núi, một người mắt kép sống ở nơi con người ta không sống và cũng không hẳn là đã chết…

Ta đọc Người mắt kép theo cách ta nhìn ngắm một bức bích họa trên vương cung thánh đường. Có những bức tranh khác nhau và những bức tranh ấy lại liên kết thành một biên niên về buổi đầu Tận thế. Ta có thể chiêm ngưỡng tổng thể kỳ công của bức bích họa ấy, mà cũng có thể tập trung điểm nhìn vào bất cứ gương mặt nào xuất hiện, từng gương mặt khi đặt riêng ra vẫn ánh xạ đầy đủ câu chuyện không khác chi khi ta cố tách từng chân dung trong một tác phẩm của Michelangelo, kẻ nào dù thời lượng xuất hiện dài hay ngắn thì cũng có điểm chung là mang một kết nối bí ẩn với thế lực vĩ đại, mà trong Michelangelo là Đấng Sáng Thế, còn ở đây là tự nhiên với những hóa thân khác nhau, có khi là thần Kabang, có khi là biển, có khi là hang động, có khi là rừng, cũng có khi là một chú mèo tên “Chào buổi sáng”.

Cái hay là, sự sắc nét trong từng chi tiết ấy rõ ràng cũng chịu ảnh hưởng, một lần nữa, từ chủ nghĩa hiện thưc huyền ảo của Márquez luôn đặc trưng bởi cơn lũ những chi tiết và nỗi sợ cái trống rỗng (horror vacui), nhưng cũng cùng lúc hô ứng với thế giới ứ ngập chủ nghĩa tiêu dùng, trong đó con người hiện đại không thể ngưng nhồi nhét hàng ngàn món đồ và vật dụng vào mỗi hai tư giờ chật chội, đương nhiên họ không thể chịu được sự không-có-gì.

Nhìn thật kỹ, bước ngoặt của mỗi nhân vật trong Người mắt kép cũng đều là khi họ bị ném vào không-có-gì. Atile’i bị ném vào giữa đại dương mênh mông không bến bờ, không tình yêu. Alice bị ném vào một cuộc đời mới không còn gia đình, không còn ngôi nhà đẹp xinh hướng ra mũi biển. Đứa bé con bị ném vào những đêm mưa dài giữa núi cao, đợi mãi không thấy cha trở lại. Người cha bị ném xuống đáy vực, cố gắng leo lên tìm con trai, nhưng cuối cùng chỉ nghe người mắt kép giảng giải rằng “Ngươi biết mà, ở trên đó vốn dĩ không có bất cứ ai. Vốn dĩ không có.” Và thực sự thì có hai loại “rác”, hai loại phế thải trong Người mắt kép: phế thải vật chất – cái xác của những gì đã bị rút cạn linh hồn và vất vưởng trên đại dương chờ ngày trả hận; phế thải của quá khứ – những gì còn xót lại từ kỷ niệm quay về làm nhức nhối tâm hồn ta, khi xét theo nghĩa thứ hai, thì chính bản thân mỗi nhân vật là một hòm rác chứa những cắn rứt và ăn năn, mơ tưởng và ngờ vực, sợ hãi và tiếc nuối.

Nhưng cuối cùng, họ sẽ thấy chính khi đương đầu với cái không-có-gì ấy, họ sẽ được choáng ngợp những khung cảnh đẹp nhất trên đời. Đó là cảnh khi cậu bé con cô đơn đứng trước vách đá ngắm những đàn côn trùng với đôi cánh đốm xanh lá cây rực rỡ mê ly, là cảnh khi Alice từ cửa sổ nhà mình nhảy ùm xuống biển như một chú cá heo và bơi đi, là cảnh khi Atile’i lại một lần nữa một mình ra khơi – mang theo cây sáo biết nói mà người cậu yêu từng tặng, và đặc biệt là cảnh ở chương kết khi nhóm người lên ô tô đi tìm một con đường cổ men dọc bờ biển mà người bản địa từng đi, nhưng khi tới nơi đã thấy con đường ấy đã lao thẳng xuống biển Thái Bình, họ chỉ có thể ngẩn ngơ đứng đó hồi lâu ngắm sóng biển từng cơn vỗ. Moses đã rẽ biển ư? Nhưng biển đã đóng sập lại. Thì ra buổi đầu Tận thế đã đẽo ra những khung cảnh quy phục đẹp đến nhường vậy. Dù thấp thoáng u buồn, nhưng đẹp đến ngây hồn.

Wu Ming Yi (Ngô Minh Ích). Nguồn straight.com

Cho nên Người mắt kép không phải một cuốn sách đe dọa hay cảnh cáo. Bởi có chất thơ trong cả rác rến, trong cả tiếng rên xiết của ngọn núi bị đục xuyên tâm, trong cả cơn giận dữ của biển, trong cả cơn mưa dai dẳng như muốn xóa sổ Đài Loan (lại một chi tiết thông tới Trăm năm cô đơn). Như nhân vật thoắt ẩn thoắt hiện người mắt kép trên tựa đề chỉ có thể quan sát và quan sát mà không thể can thiệp vào bất cứ điều gì đang diễn tiến, công việc của một tiểu thuyết gia chỉ có thể dừng lại trong một chừng mực mà thôi, tức là trăn trở về tất cả và chùn chân trước tất cả, cùng lắm là khẽ hát A hard rain’s gonna fall khi nhìn biển lấy lại những gì là của nó.  

“Thì ra thế giới là như vậy, chỉ cần đi xuyên qua một cái gì đó, đã biến thành một thế giới vừa hơi giống và cũng không giống lắm.”, Atile’i thầm nghĩ, sau khi cậu từ Wayo Wayo trôi dạt tới Đài Loan qua một hòn đảo rác. Đây chính xác là những gì Wu Ming Yi đã làm với cuốn sách của mình, biến cuốn sách thành “cái gì đó” – một cánh cửa gương dẫn ta vào một hiện thực vừa rất hiện thực lại vừa rất huyền ảo, mọi thứ thoạt trông đều có vẻ thân quen, cho đến khi những chi tiết khác thường xảy đến.

Đây có lẽ là cách liên đới tốt nhất giữa tiểu thuyết và hiện thực. Tiểu thuyết không phải người phò tá, phát ngôn viên hay tuyên truyền viên cho hiện thực. Nó là một hiện thực cao hơn hiện thực, có thể không bất tuyệt hơn hay đau đớn hơn nhưng bất tuyệt và đau đớn theo cách khác. Độc giả có thể sững sờ và trầm trồ khi đọc nó, nhưng bước ra khỏi nó, không có bài học nào dắt theo cùng. Dẫu được ca ngợi như “dụ ngôn sinh thái”, nhưng thực tế ta sẽ đọc Người mắt kép như những cư dân Troy nghe lời tiên tri của nàng Cassandra nhưng không bao giờ tin tưởng, và sẽ chỉ nhận ra một điều gì đó khi đã quá muộn màng. Bao giờ cũng thế, tiểu thuyết luôn chỉ được ấn chứng khi đã quá muộn màng, và đến lúc đó có lẽ ta chỉ có thể thốt lên: “Thì ra thế giới là như vậy…”.□

Tác giả