Số hóa di sản: Không chỉ cần nhà công nghệ

Số hóa mang lại đời sống khác cho di sản nhưng quá trình này lại không phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ như nhiều người vẫn nghĩ.


Trái với không khí im lặng như tờ ở các gian triển lãm, tại phòng trải nghiệm thực tế ảo (VR) này, không chỉ người lớn đứng chờ đến lượt, mà rất nhiều học sinh nhỏ từ bậc tiểu học rồng rắn xếp hàng chờ đeo kính “bước” vào chùa Một cột, nhảy múa, reo lên phấn khích, giơ tay “chạm” vào từng hành lang, ao nước trong ngôi chùa được phục dựng dựa trên những mảnh vụn hiện vật còn sót lại. Ảnh: Fb Tuấn Đinh. 

Công nghệ hiện đại làm lu mờ bảo tàng truyền thống? 

Dù tự nhận ra đang “lạc hậu với thời cuộc” nhưng giới bảo tàng nói riêng và di sản nói chung không dễ bề thay đổi như chính họ thừa nhận trong Hội thảo Bảo tàng trong kỷ nguyên Kỹ thuật số do Đại sứ quán Ý tổ chức cuối tháng 10 vừa qua. Với họ, vấn đề đáng ngại nhất có lẽ không chỉ là tiền đâu để mua sắm trang thiết bị, đầu tư cho các dự án đổi mới, sử dụng công nghệ, mà chính là nỗi lo sử dụng công nghệ, “trưng” tất cả các hiện vật – những đặc sản của bảo tàng lên mạng có thể đưa bảo tàng truyền thống vào “cánh cửa tử” vì không còn mấy ai mua vé tham quan hiện vật thật nữa, như TS. Trần Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học từng bộc bạch tại Hội thảo của Đại sứ quán Ý. Nỗi lo ấy đã được chia sẻ và thảo luận nhiều trong mấy năm qua, như PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam nhận định rằng, giới nghiên cứu và bảo tàng “vẫn rất băn khoăn, trăn trở khi đưa kỹ thuật mới, công nghệ mới vào bảo tàng thì có làm mất đi các giá trị quý giá của các hiện vật vật chất, phi vật thể ở bảo tàng hay không? Có thay thế được phương pháp trưng bày cũ hay không”. 

Có thể thấy rõ điều ấy, khi chỉ ngay trong hai tháng 10, 11, giới chuyên môn không chỉ thảo luận tại Đại sứ quán Ý mà còn có hội thảo lớn về cùng chủ đề do Bảo tàng Dân tộc học tổ chức, cũng như các cuộc tọa đàm quy mô nhỏ hơn do Tia Sáng, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mới tổ chức để giới thiệu ứng dụng công nghệ thực tế ảo trong phục dựng chùa Diên hựu, một công trình kiến trúc Phật giáo hoàng gia tiêu biểu của Đại Việt từng tồn tại hơn 800 năm trước. 

Nhưng có lẽ một vài đứa con tinh thần chung giữa những nhà nghiên cứu di sản và công nghệ gần đây sẽ cho thấy những dấu hiệu lạc quan hơn là đáng âu lo. 
Cuộc trưng bày về chùa Diên hựu ảo tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mới đây do nhóm SEN Heritage của kiến trúc sư Đinh Anh Tuấn đứng đầu đã cho thấy công nghệ sẽ mở ra cánh cửa thay đổi bảo tàng Việt Nam chứ không phải lối dẫn vào “án tử” như mọi người đã lo ngại. Dù ban tổ chức đã “tung” lên mạng rất nhiều hình ảnh đẹp, ở nhiều góc cạnh của ngôi chùa từ trước nhưng cuộc trưng bày thực tế ảo vẫn nườm nượp khách đến trải nghiệm thực tế ảo (VR), chỉ vỏn vẹn bảy ngày, 3000 lượt khách tham quan, ghi kín hai cuốn sổ lưu niệm. Chỉ cần đeo kính, khán giả có thể “bước vào” chùa, nhìn thấy hồ sen long lanh, hai bên hành lang chùa và kiến trúc một cột đỏ thắm. Vào những buổi đông quá, đội ngũ kỹ thuật còn phải tắt hiệu ứng đi lại khi trải nghiệm để buộc khách tham quan ngồi im đeo kính “ngó nghiêng” tránh bị chen chúc dẫm chân lên nhau. 

Còn sản phẩm số hóa của 3DArt mà nhóm kiến trúc sư Đinh Việt Phương thực hiện là thước phim ngắn phục dựng kiến trúc của chùa Dạm ở Bắc Ninh, ngôi Đại lãm tự cùng niên đại, được một số nhà nghiên cứu cho rằng có kiến trúc một cột cùng motif với Diên Hựu cho thấy một vẻ đẹp tinh mỹ mà nhà làm phim Nguyễn Hữu Tuấn thốt lên trên trang cá nhân là “nín lặng trước những vẻ đẹp đã vĩnh viễn biến mất”. 

Trước khi hai sản phẩm này ra mắt này, vào năm ngoái, ở Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế cũng đã có phòng trải nghiệm VR tương tự nhưng ở quy mô lớn hơn – “Đi tìm Hoàng cung đã mất” 3D hóa chính hoàng cung Huế và cho phép du khách đeo kính giả làm người “bay” nhìn Hoàng cung từ bên trên – thu hút tới 28.000 tham gia trải nghiệm chỉ sau khoảng hơn bốn tháng đưa vào hoạt động. Đó là những điều không chỉ hiếm thấy ở một hai đơn vị làm di sản mà có lẽ còn xa lạ với cảnh “vắng tanh như chùa bà Đanh” thường thấy ở hầu khắp các bảo tàng trong nước, thậm chí những nơi chứa hàng ngàn tư liệu quý giá về lịch sử văn hóa dân tộc có khi “đắp chiếu” đìu hiu tới cả thập kỷ qua.

Qua những sản phẩm trên cho thấy, công nghệ mới không chỉ giúp lưu trữ tư liệu, đưa lên mạng cho các nhà nghiên cứu và người xem tra cứu từ xa với chất lượng hình ảnh sắc nét nữa mà vẫn hút người xem đến bảo tàng, tương tác “chạm” vào di sản. Vì vậy, theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, giới làm di sản phải “suy nghĩ rất nhiều để thay đổi và tìm cách kết hợp với các nhà công nghệ trong cả nghiên cứu và trưng bày”. 

Cần người “diễn dịch” ngôn ngữ di sản 

Đó mới chỉ là những sóng nước đầu tiên mà anh Đinh Anh Tuấn và Đinh Việt Phương khuấy lên trong giới di sản đợt này, Đinh Anh Tuấn cho biết nhóm anh dự định tiếp tục tái dựng những công trình mỹ thuật kiến trúc cổ đã biến mất khác nữa như Đèn Quảng chiếu, chùa tháp Sùng Thiện Diên Linh, tháp Báo Thiên, chùa Ngưỡng Sơn Linh Xứng… còn Đinh Việt Phương vẫn tiếp tục đi scan 3D các di sản đương thời. Tin rằng việc khuấy động này sẽ kích thích giới di sản thay đổi nhưng điều lo ngại nhất của các anh là không chỉ cần những anh em làm kỹ thuật nhưng am hiểu di sản mà cả 3DArt và SEN đều có thể tự đào tạo được, mà là phối hợp với chuyên gia di sản “đầy năng lượng” sẵn sàng dành thời gian tâm huyết. SEN Heritage đã song hành cùng với quá trình khảo cứu văn bản, lịch sử về chùa Diên Hựu của TS Trần Trọng Dương (Viện Nghiên cứu Hán nôm, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) trong suốt 10 năm, 3DArt dựa trên khảo cứu về mỹ thuật học, khảo cổ học của nhà nghiên cứu độc lập Đào Xuân Ngọc – người cũng dành khoảng từng ấy năm tham gia các cuộc khai quật của chùa Dạm. Anh Đinh Việt Phương cho rằng thời gian vừa rồi sẽ khó lòng gõ cửa từng cá nhân các nhà nghiên cứu kỳ cựu hoặc hợp tác với một tổ chức nghiên cứu công lập nào đó vì đây vẫn là công nghệ rất mới mà chỉ có người rất trẻ mới có thể dám chấp nhập thử thách, còn các cơ quan nghiên cứu đa phần vẫn ở trong vùng an toàn, mỗi nhà nghiên cứu nằm trọn trong mảng chuyên môn riêng của mình, chưa biết công nghệ mới này có lợi hại ra sao và cũng chỉ “tay không bắt giặc” chứ chưa có một đồng lợi nhuận. Vì thế, mới chỉ có những người như TS Trần Trọng Dương hay anh Đào Xuân Ngọc “chuyển ngữ” đưa toàn bộ các kết quả, các giả thiết trong một lịch sử nghiên cứu gồm nhiều phân ngành khác nhau, từ văn tự cổ, khảo cổ, kiến trúc… về chùa Dạm và chùa Diên Hựu suốt gần nửa thế kỷ qua trở thành ngôn ngữ hình ảnh mà những người làm công nghệ hiểu và áp dụng được. 

Cách làm của Ban quản lý Di tích cố đô Huế có phần không phức tạp bằng cách tái dựng các công trình đã biến mất như trên, vì toàn bộ Hoàng thành hiện nay vẫn còn (trừ Tử Cấm Thành bị đốt cháy đến 90% vào những năm 1947 và 1968 trong chiến tranh) nhưng không phải kỹ thuật viên cứ thế đến quét mà thành phim, thành tư liệu. TS Phan Thanh Hải, nguyên giám đốc Ban quản lý Di tích cố đô Huế nay là Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thừa Thiên Huế cho biết, để thực hiện được dự án số hóa Hoàng Thành, số hóa các bảo vật quốc gia – với mục đích trước tiên nhằm lưu trữ để bảo vệ, nghiên cứu, làm căn cứ trùng tu đúng theo nguyên mẫu, sau đó là dựng phim cho trải nghiệm thì Ban quản lý đã phải hợp tác với Viện KH&CN Tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) suốt từ năm 2005 đến nay. Anh chọn trong số hàng chục người của Trung tâm để lấy hai người hội tụ đủ các yếu tố “vừa có kiến thức di sản, vừa có kiến thức về kiến trúc, kỹ thuật và có ngoại ngữ để cử đi” Hàn Quốc học tập và quay trở về cùng phía viện KAIST triển khai. Nhưng cũng rất ít di sản có thể làm được như trường hợp Hoàng thành Huế, TS Phan Thanh Hải cho biết, vì đây là đơn vị đi đầu trong việc hợp tác quốc tế nghiên cứu và phát huy giá trị di sản ở Việt Nam, nơi đây có truyền thống hợp tác với các viện nghiên cứu công nghệ của Đức, Hàn Quốc qua nhiều dự án.

Liệu các di sản khác có sẵn lòng hợp tác như Huế? Và không chỉ các khu di tích, di sản, các viện nghiên cứu có cởi mở sẵn sàng hợp tác với những nhóm làm công nghệ độc lập như của Đinh Anh Tuấn và Đinh Việt Phương để có thêm ngày càng nhiều sản phẩm cuốn hút thú vị khác  nữa hay không? Đó mới là mấu chốt để tạo ra nội dung trong quá trình số hóa di sản.□

Tác giả