Chính phủ số: không chỉ là công nghệ

Các sáng kiến về chính phủ điện tử có thể giúp việc vận hành quốc gia trở nên tốt hơn, tuy nhiên để làm được việc đó trước tiên cần bảo mật dữ liệu cá nhân.

Những người làm cho chính phủ thường xuyên lưỡng lự trước việc thay đổi cách họ đang vận hành công việc – thi thoảng các điều luật và các quy định loại bỏ yêu cầu  xử lý thông tin nhưng phần lớn đơn giản là thiếu ý chí chính trị để thay đổi. Sandoval-Almazán nói: “Nhiều nhà quản lý công không muốn mất quyền lực của mình, và họ nhìn công nghệ như một thứ đe dọa điều đó”. Tham nhũng có thể là vấn đề ở một vài nơi, ông cũng chỉ ra. Một chính phủ điện tử vận hành tốt không tương thích với một hệ thống tràn lan nạn hối lộ và kết nối vì mục đích cá nhân.

Các hệ thống thực thi nhiệm vụ không đơn giản là việc đáp ứng yêu cầu công nghệ để phù hợp với công việc của chính phủ mà nói đòi hỏi phải chuyển đổi chính phủ theo cách phù hợp hơn với bản chất công nghệ của thế kỷ 21. Theo Greenway, các cơ quan của chính phủ cần kết nối với nhau nhiều hơn và sẵn sàng hơn để đáp ứng yêu cầu mới, đồng thời phải tập trung nhiều hơn vào những gì các công dân cần. Theo cách đó, chính phủ điện tử không chỉ tạo ra một trải nghiệm dịch vụ khách hàng tốt hơn “mà cần cải cách bộ máy quan liêu và các thể chế chính trị, thay đổi một số điều cơ bản trong dịch vụ dân sự,” ông nói. Kỹ thuật số có khả năng chuyển đổi cách các công dân kết nối với chính phủ nhưng cũng có thể thay đổi cả cách chính phủ nhìn nhận chính mình.¨


Estonia cho phép các công dân của mình thực hiện toàn bộ tương tác với chính phủ qua mạng internet. Nguồn: Nature.

Các phòng ban của Văn phòng đăng ký xe cơ giới Massachusetts luôn đầy ắp những người bực bội do phải xếp hàng chờ đợi tới 5 tiếng đồng hồ để gia hạn giấy phép lái xe. Vào tháng 3/2018, Văn phòng đã đổi mới bằng việc cài dặt một phần mềm mới và đưa ra những yêu cầu mới về nhận diện để hoàn tất Chương trình ID thực – một điều luật liên bang nhằm cải tiến việc xác thực và an ninh của giấy phép. 

Theo yêu cầu này, những người nộp hồ sơ phải mang đến văn phòng một số giấy tờ để chứng minh danh tính và xác nhận nơi cư trú: một thẻ an ninh xã hội hoặc chứng từ thuế, giấy khai sinh, hộ chiếu hoặc giấy tờ cư trú, hóa đơn sử dụng dịch vụ gần nhất và bản kê ngân hàng. Nhưng về phía các nhân viên của Văn phòng, họ phải vất vả khi sử dụng phần mềm mới: kiểm tra mọi người đã có đủ giấy tờ đúng yêu cầu chưa, nhập dữ liệu vào hệ thống để có được một giấy phép mới cũng mất nhiều thời gian hơn dự kiến. Công việc như thế này cũng diễn ra trong nhiều tuần ở nhiều bang khác của Mỹ. 

Đó chỉ là một phần của câu chuyện về chính phủ số, nơi rất có thể phải đối mặt với những vấn đề như khiếm khuyết dữ liệu, mất thời gian nhập liệu khi chuyển tải thông tin từ các hồ sơ giấy tờ sang hồ sơ số hóa. Nhưng người đề xướng đều lý luận rằng trong thời đại số hóa, việc giao dịch giữa người dân với chính phủ có thể trở nên dễ dàng như mua bán hàng hóa qua mạng. Chính phủ số, hay còn được gọi là chính phủ điện tử (e-government) có thể góp phần làm giảm tình trạng quan liêu giấy tờ và giúp các dịch vụ công trở nên hiệu quả hơn, tiết kiệm kinh phí hơn. Nó cũng góp phần đem lại sự minh bạch cho chính phủ thông qua việc trao cho công dân quyền truy cập dữ liệu chính phủ và cái nhìn thấu suốt hơn theo cách “dân biết, dân bàn dân kiểm tra” các hoạt động của chính phủ. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo để các dữ liệu của chính phủ có thể hỗ trợ việc giải quyết tình trạng tội phạm, khủng bố, cải thiện việc ra các quyết sách kinh tế và cắt giảm chi phí kinh doanh.

Estonia thường được nhắc đến như một hình mẫu về chính phủ điện tử. Người dân có thể nộp các bản khai thuế, bỏ phiếu bầu cử, đăng ký một công ty mới qua mạng internet. Hầu như bất cứ mọi thứ thủ tục đều có thể được thực hiện ở bất cứ nơi nào có kết nối internet, ngoại trừ mua nhà hoặc kết hôn. Một thẻ ID được mã hóa có thể truy cập vào mọi thứ, từ các trang web chính phủ đến tài khoản ngân hàng. Đất nước này đã có “công dân điện tử”, cho phép mọi người từ khắp mọi nơi trên thế giới đăng ký một ID (có tính phí), đăng ký một doanh nghiệp ở Estonia. Hơn 46.000 người đã trở thành “công dân ảo” của Estonian theo cách này – tương đương với 3% dân số thực của đất nước.

Nhiều quốc gia khác cũng đang nỗ lực thúc đẩy việc áp dụng các dịch vụ công số hóa. Theo Bộ phận Kinh tế và xã hội Liên Hợp Quốc, trong năm 2018, Đan Mạch là quốc gia dẫn đầu về sử dụng các công nghệ internet để cung cấp các dịch vụ công, theo sau là Australia, Hàn Quốc và Anh. Mỹ xếp thứ 11, sau Nhật Bản. Chót bảng là các quốc gia châu Phi – nơi còn trong cảnh thiếu điện và truy cập internet còn chưa được phổ biến khiến việc hình thành và triển khai chính phủ điện tử còn gặp khó khăn.   

Chính phủ số không chỉ cắt giảm chi phí dịch vụ công mà còn làm cho chúng hiệu quả hơn. Tổ chức Treasury (Anh) đã ước tính nếu hoàn thiện trang web www.gov.uk – được bắt đầu lập vào năm 2012 để sáp nhập các trang web của 25 cơ quan cấp bộ và 385 tổ chức công khác thành một cổng thông tin, sẽ tiết kiệm 3,6 tỷ bảng (4,7 tỷ USD) ngay trong ba năm vận hành.

Sức mạnh của chính phủ số nằm trong chính bộ dữ liệu mà các chính phủ thu thập và tạo ra, như dữ liệu về tỷ lệ tội phạm, chi tiêu cho giáo dục, luôn có sẵn để các quan chức chính phủ và công chúng sử dụng. Theo cách này, các công dân không chỉ tìm thấy các thông tin hữu ích mà còn có khả năng hiểu hơn về việc các cơ quan chính phủ làm việc như thế nào.

Các công dân có thể tìm bất cứ thứ gì họ muốn qua internet, Rodrigo Sandoval-Almazán – một nhà khoa học chính trị tại trường Đại học Tự trị ở Mexico và đang hợp tác với Chính phủ Mexico để soạn thảo các quy định về dịch vụ số. Tuy luật pháp Mexico yêu cầu các công chức phải trả lời các câu hỏi của công dân nhưng ông muốn mọi người có thể nhận được câu trả lời họ cần ngay từ các cơ sở dữ liệu hơn là chờ đợi điều đó từ một công chức. “Công nghệ có thể đưa ra câu trả lời chính xác nếu nhận được câu hỏi về chi phí đào tạo trong các trường công trong lĩnh vực nào đó hoặc ngôi trường nào là tốt nhất cho con cái của tôi,” ông lấy ví dụ.

Những giải pháp thông minh 

Chính quyền có thể nhận được lợi ích từ việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trên các dữ liệu của mình, theo Jaideep Vaidya – một nhà khoa học máy tính tại Rutgers Business School ở Newark, New Jersey. Ông đang phát triển phần mềm phân tích dữ liệu cho Newark nhằm hỗ trợ trong việc đưa ra các quyết định dựa trên phản ánh của công dân. Ví dụ khi người ta phàn nàn trên các trang mạng xã hội về chuyện đường xấu, nhiều ổ gà, đèn đường hỏng hóc thì một thuật toán cài đặt sẵn sẽ làm chuyện đối chiếu, thu thập thông tin rồi tự đề xuất cách giải quyết vấn đề như cử một đội làm đường tới xử lý trong thời gian ngắn nhất. 

Newark – một thành phố đông dân cư với 30% la người nghèo – có một lượng lớn các lô đất bỏ hoang vừa không thu được thuế vừa thu hút tội phạm. Vaidya cho biết, trên cơ sở các phân tích dự đoán, các mô hình máy tính có thể đưa ra gợi ý về việc khuyến khích các doanh nghiệp tiếp quản các lô đất đó. Các quan chức chính phủ cũng có thể dùng các phân tích dự đoán để tìm cách tốt nhất để mang lại doanh thu, “cho phép giảm đi gánh nặng thuế má”, ông nói.

Việc ứng dụng các phân tích dự đoán trên dữ liệu của chính phủ cũng có thể giúp các cơ quan an ninh tối ưu nguồn lực thông qua việc dò tìm các điểm tội phạm khủng bố hoặc các hiểm họa an ninh. Nhưng cứ trông chờ vào trí tuệ nhân tạo để đem đến các quyết định hành chính mà không có sự giám sát cẩn trọng thì có thể dẫn đến nhiều vấn đề nghiêm trọng, Vaidya cảnh báo. Ví dụ một thuật toán học máy có thể tạo ra một mô hình phụ thuộc vào các đặc điểm là đối tượng của luật chống phân biệt đối xử, chẳng hạn như chủng tộc, tuổi tác cũng có thể đem lại sự bất bình đẳng. 

“Mọi người giờ đang phát cuồng về deep learning (học sâu)”, Vaidya nói, đây là một kỹ thuật bắt chước cách bộ não hoạt động bằng việc “chạy” qua nhiều lớp tính toán. Nó giúp các trợ lý số như Siri của Apple, Alexa của Amazon có khả năng nhận diện được giọng nói. “Vấn đề lớn nhất với deep learning là anh chưa thể có một mô hình giải thích vì về cơ bản anh không hiểu được tạo sao thuật toán đó lại có những lựa chọn cụ thể,” ông cho biết thêm.

Việc tạo điều kiện cho mọi người có thể truy cập dễ dàng các thông tin về thuế, tuyển dụng, y tế trên trang web cũng là “cơ hội” tạo điểm ngắm cho các hacker. Vì thế, các nhà khoa học máy tính đang phát triển các kỹ thuật mật mã để đảm bảo tính an toàn của dữ liệu. Sự riêng tư khác biệt – một cách tiếp cận cho phép người ta có thể truy cập dữ liệu nhưng vẫn bảo vệ được danh tính, đang được phổ biến. Với ưu điểm của cách tiếp cận này, một cá nhân có thể khai thác thông tin từ một bộ sưu tập hồ sơ mà không phải nêu sự khác biệt giữa các hồ sơ cá nhân. Về bản chất, máy tính có thể sắp xếp được một câu trả lời, và sau đó đưa thêm một ít nhiễu thống kê để che độ chính xác của kết quả. Dẫu sao, nó chỉ hoạt động tốt khi tập hợp được số lượng lớn hồ sơ và điều đó sẽ giúp giảm thiểu độ chính xác – yếu tố giúp tin tặc tìm ra danh tính. Cục Điều tra dân số Mỹ đã lên kế hoạch sử dụng cách tiếp cận riêng tư khác biệt này để bảo vệ dữ liệu được thu thập trong cuộc điều tra dân số vào năm 2020.

Không chỉ là vấn đề công nghệ 

Trong quá trình thực hiện chính phủ số, có một số vấn đề đặt ra là chỉ có ít việc cần phải làm để phát triển công nghệ nhưng lại phải đối mặt với những vấn đề quan trọng như chi phí, thiết bị lạc hậu, thói quan liêu và ít ý chí chính trị. Ví dụ, nhiều hệ thống số vẫn còn phụ thuộc vào những ngôn ngữ máy tính cũ như COBOL, từng được viết ra từ năm 1959. “Một số cơ sở dữ liệu như hệ thống thuế được lập trên cơ sở những mảnh vỡ của COBOL đã có mặt hơn 40 năm. Chúng được gá lắp với nhau một cách thô sơ nhưng giờ đây lại là cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia,” Greenway – một đối tác của Public Digital – một tổ chức tư vấn của Anh để hỗ trợ các chính phủ thiết kế các hệ thống số, nói. 

Theo Spafford nhà khoa học máy tính tại trường Đại học Purdue ở Tây Lafayette, bang Indiana, Mỹ, một vài cơ quan Mỹ đang sử dụng các máy tính đã trên 30 năm tuổi. Năm 2015, Văn phòng Quản lý nhân sự Mỹ (Office of Personnel Management) đã bị tin tặc tấn công, dẫn đến lộ hồ sơ của 4,2 triệu nhân viên liên bang cũng như số thẻ an ninh xã hội của 21,5 triệu người. Lỗ thủng dữ liệu này cho thấy hệ thống quản lý dữ liệu của OPM đã sử dụng phần cứng lạc hậu và phần mềm dễ bị tấn công mà thiết bị hiện hành không mắc phải. “Chi phí để sửa chữa tốn nhiều triệu đô la”, ông nói. 


Việc số hóa khiến các công dân có thể tìm bất cứ thứ gì họ muốn qua internet. Nguồn: madison.co.nz

Những người làm cho chính phủ thường xuyên lưỡng lự trước việc thay đổi cách họ đang vận hành công việc – thi thoảng các điều luật và các quy định loại bỏ yêu cầu  xử lý thông tin nhưng phần lớn đơn giản là thiếu ý chí chính trị để thay đổi. Sandoval-Almazán nói: “Nhiều nhà quản lý công không muốn mất quyền lực của mình, và họ nhìn công nghệ như một thứ đe dọa điều đó”. Tham nhũng có thể là vấn đề ở một vài nơi, ông cũng chỉ ra. Một chính phủ điện tử vận hành tốt không tương thích với một hệ thống tràn lan nạn hối lộ và kết nối vì mục đích cá nhân.

Các hệ thống thực thi nhiệm vụ không đơn giản là việc đáp ứng yêu cầu công nghệ để phù hợp với công việc của chính phủ mà nói đòi hỏi phải chuyển đổi chính phủ theo cách phù hợp hơn với bản chất công nghệ của thế kỷ 21. Theo Greenway, các cơ quan của chính phủ cần kết nối với nhau nhiều hơn và sẵn sàng hơn để đáp ứng yêu cầu mới, đồng thời phải tập trung nhiều hơn vào những gì các công dân cần. Theo cách đó, chính phủ điện tử không chỉ tạo ra một trải nghiệm dịch vụ khách hàng tốt hơn “mà cần cải cách bộ máy quan liêu và các thể chế chính trị, thay đổi một số điều cơ bản trong dịch vụ dân sự,” ông nói. Kỹ thuật số có khả năng chuyển đổi cách các công dân kết nối với chính phủ nhưng cũng có thể thay đổi cả cách chính phủ nhìn nhận chính mình.¨

Anh Vũ lược dịch
Nguồn: https://www.nature.com/articles/d41586-018-07502-x

 

 

Tác giả