Đe dọa xóa sổ nhiều di tích thời đại Phùng Nguyên và Đông Sơn

“Di tích Phùng Nguyên (huyện Lâm Thao, Phú Thọ) nổi tiếng thế giới và được sử dụng để đặt tên cho văn hóa Phùng Nguyên – giai đoạn đầu tiên của thời đại kim khí ở Việt Nam nay đã bị biến thành một loạt lò gạch”, PGS.TS Trịnh Sinh và PGS.TS Bùi Văn Liêm đưa ra cảnh báo tại Đại hội lần thứ 3 của Hội Khảo cổ học Việt Nam vào ngày 28/8.

 

Khai quật di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối (Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội). Vườn chuối có niên đại trải dài khoảng 3500 đến 2000 năm cách ngày nay, nhiều lần bị đào trộm cổ vật, và không được kiểm kê di tích khi xây dựng khu đô thị, gần đây mới được đưa vào khai quật khẩn cấp để bảo tồn. Ảnh: Nguyễn Văn Thắng.  

Năm 1993, Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam mới thống kê được trong cả nước chỉ có 100 di tích khảo cổ học thuộc thời kỳ kim khí. Chưa đầy 10 năm sau đó, con số này đã nhảy vọt lên gấp hơn 9 lần (917 di tích) do công tác khai quật di tích được quan tâm. Nhưng, khả năng bảo vệ di tích lại “phát triển theo chiều ngược lại”, theo ước đoán của các cán bộ Khảo cổ học Lịch sử kim khí ở Viện Khảo cổ học thì có đến 90% số lượng di tích ở Phú Thọ và Vĩnh Phúc – nơi tập trung nhiều di tích quan trọng từ văn hóa Phùng Nguyên đến Đông Sơn, đã bị xâm phạm nghiêm trọng. Không chỉ ở “vùng đất Tổ”, nhiều di tích của thời đại này, từ Hải Phòng cho tới Đồng Nai đều bị xóa sổ thành bãi rác hoặc biến thành nơi canh tác nông nghiệp, xây nhà cửa…

PGS.TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh thành cho biết, với sự đầu tư của nhà nước trong lĩnh vực khảo cổ học, ngày càng có nhiều di sản khảo cổ quy mô lớn được phát hiện, khai quật và nghiên cứu ở Việt Nam. Tuy nhiên, đó mới là bước đầu, “làm sao để sau khi kết thúc khai quật, các di sản này có thể ‘sống lại’ và mang giá trị đến với công chúng, thì dường như vẫn là một nỗi thất vọng”, ông nhận xét.

Bên cạnh tình trạng trên, ở nhiều nơi, việc trùng tu và tôn tạo di tích đã được thực hiện không theo đúng quy trình chuyên môn. Các nhà quản lý văn hóa và chính quyền địa phương tự đưa ra giải pháp phát huy giá trị di tích khảo cổ học bằng cách “phục dựng” hay “trùng tu, tôn tạo”. Nhưng “Thực chất, đây không phải là bảo tồn mà làm mới di tích theo nhận thức nhất thời của những nhà quản lý”, PGS.TS Bùi Minh Trí nhận định. “Họ đã nhanh chóng làm méo mó, biến dạng các giá trị gốc của di tích”. Điển hình là di tích chùa Ngọa Vân, Đông Triều, Quảng Ninh được Viện Khảo cổ học khai quật từ năm 2018 với toàn bộ nền móng còn nguyên vẹn, có hình thái cấu trúc của thời Lê Trung hưng. Quá trình chuẩn bị xây dựng lại chùa Ngọa Vân đã nhận được nhiều góp ý của các nhà khoa học. Nhưng sau đó một thời gian, các nhà khảo cổ học quay trở lại thì “thấy một ngôi chùa mới tinh, giá trị… 1 tuổi được dựng lên, không còn chút dấu tích nào của ngôi chùa nổi tiếng 400 năm tuổi của Thiền phái Trúc Lâm. Về phần các di tích bên dưới được xử lý như thế nào, không ai biết”, ông kể lại. Có thể nói những công trình mới “được làm theo ý chí đương đại” đã che lấp hoặc phá hủy toàn bộ những nền móng cổ có giá trị lâu đời để xây mới những kiến trúc “không có một chút giá trị lịch sử nào”. 

Để khắc phục tình trạng này, các nhà khoa học trong Đại hội Hội khảo cổ học kiến nghị phải tiến hành gấp hoạt động kiểm kê di sản, rà soát tổng thể việc trùng tu, xây mới các di tích sau khai quật, có quy định chặt chẽ về việc kiểm soát, giám sát của từng di tích theo đúng quy định của Luật di sản. Bên cạnh đó, cần tạo đường dây nóng để các nhà khoa học và người dân thông báo các trường hợp khẩn cấp xâm phạm vào di tích. 

Nếu không, “trong vài thập kỷ tới, nhiều di sản khảo cổ sẽ biến mất, thậm chí riêng các di tích khảo cổ học thuộc thời đại Hùng Vương sẽ bị biến mất hoàn toàn”, PGS.TS Trịnh Sinh cảnh báo. 

 

Đại hội lần thứ 3 của Hội Khảo cổ học Việt Nam đã bầu Ban Chấp hành Hội nhiệm kỳ 3 (2019 – 2023) với 26 thành viên. PGS-TS Tống Trung Tín tiếp tục được bầu làm Chủ tịch hội. PGS- TS Nguyễn Lân Cường tiếp tục làm Tổng thư ký hội.

Tác giả