Giả thuyết SARS-CoV-2 rò rỉ từ phòng thí nghiệm gây chia rẽ tai hại

Mới đây trên tạp chí Nature, một số nhà khoa học cho rằng “cáo buộc SARS-CoV-2 thoát ra từ phòng thí nghiệm sinh học của Trung Quốc” có thể gây chia rẽ tai hại cho hợp tác khoa học quốc tế để kiềm chế đại dịch, và cho cả ngoại giao giữa các quốc gia.

“Phát sốt” về giả thiết cũ

Giả thuyết rò rỉ SARS-CoV-2 từ phòng thí nghiệm Vũ Hán đã nổ ra từ năm ngoái và đặc biệt trở nên lan rộng trong những tháng gần đây, mặc dù chưa có bằng chứng rõ ràng nào. Ngày 14/5, 18 nhà nghiên cứu, do David Relman từ Đại học Stanford đứng đầu, đã đăng một lá thư ngỏ trên tạp chí Science kêu gọi tìm hiểu sâu hơn về giả thuyết SARS-CoV-2 rò rỉ từ phòng thí nghiệm của Trung Quốc và chỉ ra rằng báo cáo điều tra nguồn gốc COVID của WHO hồi tháng ba chỉ tập trung vào khả năng virus bắt nguồn từ động vật. Ví dụ, báo cáo của WHO đã lập bản đồ một khu chợ lớn tại Vũ Hán, Trung Quốc và tuyên bố hầu hết các mẫu SARS-CoV-2 mà các nhà điều tra thu thập được ở đó tìm thấy xung quanh các quầy hàng bán động vật. Các nhà điều tra nói đã tìm hiểu đúng trọng tâm vì hầu hết các bệnh truyền nhiễm mới nổi đều có nguồn gốc tự nhiên, như HIV, Zika và Ebola. Bằng chứng từ bộ gene cũng cho thấy một loại virus có nguồn gốc từ dơi móng ngựa (Rhinolophus spp.) tương tự SARS-CoV-2 đã lây sang một loài động vật chưa xác định rồi sau đó truyền bệnh cho người.

Bên ngoài Viện Virus Vũ Hán, nơi bị một số người theo thuyết âm mưu cáo buộc là nguồn rò rỉ SARS-CoV-2. Ảnh: Thomas Peter/Reuters/Alamy.

Bên ngoài Viện Virus Vũ Hán, nơi bị một số người theo thuyết âm mưu cáo buộc là nguồn rò rỉ SARS-CoV-2. Ảnh: Thomas Peter/Reuters/Alamy.

Cuộc điều tra của WHO kết luận rằng virus bắt nguồn từ động vật có khả năng cao hơn là giả thuyết nó thoát ra từ một vụ rò rỉ ở phòng thí nghiệm. Nhưng các chính trị gia, nhà báo, và một số nhà khoa học vẫn đưa ra tuyên bố về mối liên hệ giữa coronavirus với Viện Virus học Vũ Hán (WIV) mặc dù không kèm theo cơ sở vững chắc. Một số nghị sĩ Hoa Kỳ và các phương tiện truyền thông còn đi xa hơn, cáo buộc Chính phủ Trung Quốc che đậy vụ rò rỉ, thậm chí họ còn nghi ngờ giám đốc Anthony Fauci của Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ (NIAID), nơi tài trợ một số nghiên cứu tại WIV có liên quan. Cả WIV và cá nhân Anthony Fauci đều phủ nhận cáo buộc này, nói rằng họ không hề biết đến SARS-CoV-2 cho đến khi virus được phân lập từ bệnh phẩm vào cuối tháng 12/2019.

Nhà virus học Angela Rasmussen từ Đại học Saskatchewan, Canada cho rằng ngay cả khi lá thư ngỏ trên Science có mục đích tốt thì nó cũng đã khoét sâu thêm sự chia rẽ trong môi trường chính trị hiện nay.

Tác giả chính của lá thư, nhà sinh vật David Relman vẫn bảo vệ tiếng nói của mình mặc dù không thể ngăn những luận điệu xuyên tạc [mục đích của lá thư]. “Tôi không hề khẳng định virus đến từ phòng thí nghiệm, mà chỉ phê phán sự thiên lệch trong báo cáo điều tra của WHO”. Ông gợi ý các nhà điều tra nên nhìn nhận giả thuyết nguồn gốc tự nhiên là “hấp dẫn” (appealing) chứ không phải là có “khả năng cao” (highly likely), và lẽ ra họ phải viết trong thư là mình chưa đủ thông tin để kết luận về vụ rò rỉ. Các nhà điều tra đã tham quan WIV và phỏng vấn các nhà nghiên cứu tại đây, nhưng không được cung cấp dữ liệu sơ cấp.

Trong lá thư ngỏ, các tác giả cũng lưu ý rằng người gốc Á có thể bị quấy rối bởi những người đổ lỗi cho Trung Quốc đã gây ra COVID-19, và cũng cố gắng hạn chế việc bị lợi dụng. Tuy nhiên, những người theo thuyết âm mưu rằng về một vụ phát tán virus từ phòng thí nghiệm Vũ Hán vẫn cho rằng lá thư ủng hộ họ. Một nhà khoa học thần kinh trong một nhóm kêu gọi điều tra độc lập về COVID-19 đã tuyên bố trên mạng xã hội rằng lá thư là một phiên bản giảm nhẹ các ý tưởng mà nhóm mình đăng lên mạng hồi năm ngoái.

Cũng trong tuần đó, ông ta cũng đả kích Rasmussen vì cô cố gắng giải thích cho công chúng về các nghiên cứu gợi ý nguồn gốc tự nhiên của SARS-CoV-2. Ông ta gọi cô là đồ béo, và sau đó bình luận xúc phạm về giải phẫu chuyển giới tính của. Rasmussen không dám chắc mình có thể tiếp tục tranh luận, vì nó đã bị kéo đi quá xa với các bằng chứng hiện có.

Các yêu cầu điều tra về nơi khởi phát virus càng mạnh mẽ hơn trong kỳ họp của Đại hội đồng Y tế Thế giới bắt đầu từ ngày 24/5. Hoa Kỳ đã yêu cầu WHO tiến hành điều tra nguồn gốc COVID giai đoạn 2 “minh bạch, dựa trên khoa học” và Tổng thống Joe Biden thông báo ông đã yêu cầu cộng đồng tình báo Hoa Kỳ, cùng với các phòng thí nghiệm quốc gia, “thúc ép Trung Quốc tham gia vào một cuộc điều tra”. WHO không có thẩm quyền thực hiện yêu cầu này mà không có sự chấp thuận của quốc gia sở tại, và đang xem xét các đề xuất cho cuộc điều tra giai đoạn 2.

Còn tại Hoa Kỳ, giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm đang trở nên thịnh hành, trong đó phải kể đến hai bài báo trên tờ Wall Street Journal. Một câu chuyện đề cập đến tài liệu mật tiết lộ một quan chức giấu tên thuộc chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump, cho biết ba nhà nghiên cứu của WIV bị ốm vào tháng 11/2019. Câu chuyện thứ hai nói chính quyền Trung Quốc đã ngăn một nhà báo vào khu mỏ bỏ hoang có dơi cư ngụ, là nơi các nhà khoa học WIV phân lập coronavirus hồi năm 2012.

Chia rẽ quan hệ ngoại giao

Tranh cãi không chỉ khiến cuộc điều tra nguồn gốc COVID có nguy cơ đổ vỡ các hợp tác khoa học, mà còn gây nhiều hệ lụy khác. Các nhà phân tích chính sách y tế toàn cầu cho rằng điều quan trọng là các quốc gia phải phối hợp cùng nhau để kiềm chế đại dịch và chuẩn bị cách thức đối phó với các đợt bùng phát trong tương lai. Họ nêu các hành động thiết thực hiện nay là mở rộng phân phối vaccine, cải thiện các quy tắc an toàn sinh học, chẳng hạn như tiêu chuẩn báo cáo dữ liệu giám sát virus. Các công việc đó đòi hỏi sự đồng thuận rộng rãi giữa các cường quốc. Amanda Glassman, chuyên gia y tế toàn cầu từ Trung tâm Phát triển Toàn cầu tại Washington DC nói “chúng ta cần nhìn vào bức tranh toàn cảnh và tập trung vào các động lực đưa chúng ta đến nơi chúng ta muốn. Một các tiếp cận đối đầu chỉ khiến mọi thứ tồi tệ hơn”.

Nhưng các cáo buộc vẫn leo thang rầm rộ góp phần gây ra các rạn nứt chính trị vào thời điểm rất cần sự đoàn kết.

Việc điều tra nguồn gốc của các virus, đợt dịch không hề dễ dàng. Mà Eboloa là một ví dụ điển hình, các nhà khoa học đã mất 14 năm mới tìm ra bằng chứng cho thấy dịch SARS giai đoạn 2002-2004 là do một loại virus lây từ dơi sang cầy rồi gây bệnh cho người.

Vì vậy, với nhu cầu cấp thiết về chính sách an toàn sinh học, các nhà khoa học cho rằng, Hoa Kỳ nên tập trung thúc đẩy ngoại giao chống COVID thông qua các cuộc gặp giữa các đại sứ Trung-Mỹ, giống như các cuộc thảo luận về biến đổi khí hậu hồi tháng tư. Điều quan trọng là, chúng ta thực sự có một số việc cần làm để sẵn sàng cho đại dịch tiếp theo, sau khi thất bại ở đại dịch này.

“Tôi không hề khẳng định virus đến từ phòng thí nghiệm, mà chỉ phê phán sự thiên lệch trong báo cáo điều tra của WHO”, David Relman từ Đại học Stanford đứng đầu nhóm 18 nhà nghiên cứu đăng thư ngỏ trên tờ Science.

Nguồn: https://khoahocphattrien.vn/chinh-sach/thuyet-am-muu-sarscov2-ro-ri-tu-phong-thi-nghiem-gay-chia-re-tai-hai/20210603100835887p1c785.htm

Nguồn tin gốc: https://www.nature.com/articles/d41586-021-01383-3

Tác giả