Mô hình chống Covid-19 của Trung Quốc: Bài học gì cho thế giới?

Các nhà khoa học tính toán, “liên hoàn trận” của Trung Quốc gồm phát hiện sớm, cách ly, phong tỏa đã giúp tránh kịch bản có thêm 8 triệu ca nhiễm mới trong đợt dịch vừa rồi [so với không áp dụng].


Trung Quốc thực hiện cách ly, giãn cách xã hội từ rất sớm. Ảnh: Người dân Vũ Hán ở các khu cách ly nhận đợi phát thịt lợn. Nguồn: Theguardian. 

Vào giữa tháng 1 vừa qua, chính quyền Trung Quốc đã đưa ra các biện pháp chưa từng có để ngăn chặn virus, bằng cách phong tỏa thành phố Vũ Hán, trung tâm của dịch bệnh và ngăn chặn di chuyển ở 15 thành phố khác ở tỉnh Hồ Bắc – nơi sinh sống của hơn 60 triệu người. Các chuyến bay và xe lửa bị hủy, đường bị chặn.

Ngay sau đó, người dân ở nhiều thành phố của Trung Quốc được khuyên ở nhà và chỉ dám ra ngoài để nhận thức ăn hoặc trợ giúp y tế. Theo thông tin của New York Times, khoảng 760 triệu người, gần một nửa dân số đất nước này, đã bị giới hạn trong nhà.

Đã hai tháng kể từ khi bắt đầu phong tỏa, số trường hợp nhiễm mới giảm mạnh, từ hàng ngàn ca mỗi ngày vào lúc cao điểm xuống chỉ còn vài chục ca, có ngày không ca nào mới. “Việc hạn chế di chuyển gắt gao đã khá thành công”, Michael Osterholm, nhà khoa học về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Minnesota ở Minneapolis, Mỹ đánh giá.

Trong một báo cáo được công bố vào cuối tháng trước, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chúc mừng Trung Quốc về “một giải pháp y tế công cộng độc đáo và chưa từng có, đã làm lật ngược tình thế ngày càng nghiêm trọng”.

Nhưng câu hỏi quan trọng là sự can thiệp nào của Trung Quốc là quan trọng nhất trong việc ngăn chặn virus lây lan, Gabriel Leung, một nhà nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Hồng Kông nói. “Các nước giờ đang phải đối mặt với làn sóng [lây nhiễm] đầu tiên cần phải biết điều này”, ông nói.

Tờ Nature đã trao đổi với các nhà dịch tễ học về giải pháp phong tỏa có thực sự hiệu quả hay không, hay khuyến khích người dân tránh tập trung đông người là đủ và các quốc gia khác có thể học được những gì từ kinh nghiệm của Trung Quốc.

Ước tính phong tỏa giúp giảm bao nhiêu ca nhiễm?

Trước khi có giải pháp can thiệp, các nhà khoa học ước tính rằng mỗi người nhiễm bệnh đã truyền coronavirus cho hơn 2 người khác, khiến dịch bệnh này có khả năng lây lan nhanh chóng. Các mô hình ban đầu về tình trạng lây lan của dịch dự đoán rằng SARS-CoV-2 sẽ lây nhiễm 40% dân số Trung Quốc – khoảng 500 triệu người.

Nhưng từ 16 đến 30 tháng 1, trong khoảng 7 ngày đầu tiên phong tỏa, ước tính 1 người có bệnh có thể lây lan cho 1.05 người khác, theo Adam Kucharski, nhà nghiên cứu mô hình bệnh truyền nhiễm tại Trường vệ sinh London và y học nhiệt đới cho biết. “Rất tuyệt vời”, Adam Kucharski nói.

Số ca nhiễm mới mỗi ngày ở Trung Quốc dường như đã lên đến đỉnh điểm vào ngày 25 tháng 1, chỉ hai ngày sau khi Vũ Hán bị phong tỏa.

Tính đến ngày 16 tháng 3, khoảng 81.000 trường hợp nhiễm ở Trung Quốc đã được ghi nhận, theo WHO. Một số nhà khoa học nghĩ rằng nhiều trường hợp không được ghi nhận báo cáo, vì họ không mắc phải các triệu chứng nghiêm trọng đến mức phải chăm sóc y tế, hoặc vì không xét nghiệm. Nhưng rõ ràng rằng các biện pháp được thực hiện trong thời gian này đã hiệu quả, Christopher Dye, nhà dịch tễ học tại Đại học Oxford, Vương quốc Anh đánh giá.

Trung Quốc có thể làm tốt hơn nếu không trì hoãn và lỡ pha lúc đầu

Tuy nhiên, các nhà dịch tễ học cũng cho biết phản ứng của người khổng lồ Trung Quốc có một lỗ hổng: đó là bắt đầu quá muộn. Trong những tuần đầu tiên của đợt bùng phát vào tháng 12/2019 và tháng 1/2020, chính quyền Vũ Hán đã chậm ghi nhận các trường hợp lây nhiễm lạ, trì hoãn các biện pháp ngăn chặn. Howard Markel, nhà nghiên cứu y tế công cộng tại Đại học Michigan ở Ann Arbor nói, “hành động trì hoãn của Trung Quốc có lẽ là nguyên nhân của biến cố quốc tế này”.

Một mô hình mô phỏng của Lai Shengjie và Andrew Tatem, các nhà nghiên cứu về bệnh dịch mới nổi tại Đại học Southampton, Anh, cho thấy nếu Trung Quốc thực hiện các biện pháp kiểm soát ngay từ trước đó một tuần, thì đã có thể ngăn chặn 67% tất cả các trường hợp [lây nhiễm] ở đó. Nếu thực hiện các biện pháp 3 tuần trước đó, tức là ngay từ đầu tháng 1, sẽ giúp giảm số lượng người bị lây nhiễm xuống chỉ còn 5%.


Phun khử trùng một nhà thờ ở Vũ Hán. Ảnh: Nature.

Dữ liệu từ các thành phố khác cũng cho thấy các hành động nhanh chóng sẽ có lợi hơn. Ở các thành phố đình chỉ giao thông công cộng, khu giải trí khép kín và cấm tập trung đông người trước khi có ca mắc COVID-19 đầu tiên thì các trường hợp mắc ít hơn tới 37% so với các thành phố không thực hiện các biện pháp đó, theo bản thảo bài báo nhóm nhóm Christopher Dye gửi Nature về nghiên cứu các biện pháp ngăn chặn bệnh dịch ở 296 thành phố Trung Quốc.

Cấm đi lại có tác dụng trong bao lâu?

Nhiều phân tích về đường hàng không cho thấy lệnh cấm du lịch Hồ Bắc, ngăn người dân rời khỏi tỉnh này bằng máy bay, tàu hỏa hoặc ô tô đã làm chậm sự lây lan của virus, nhưng không lâu. Một nghiên cứu ngày 6 tháng 3 trên Science của các nhà khoa học ở Ý, Trung Quốc và Mỹ đã phát hiện ra rằng việc phong tỏa Vũ Hán làm chậm sự lây lan sang các thành phố khác ở Trung Quốc trong khoảng bốn ngày. Các lệnh cấm trên phạm vi quốc tế có tác dụng lâu dài hơn, giúp ngăn chặn bốn phần năm các trường hợp từ Trung Quốc sang các nước khác trong hai đến ba tuần.

Nhưng sau đó, lượng người di chuyển lại tiếp tục gieo rắc virus sang các thành phố khác nhau trên thế giới, gieo mầm cho những đợt bùng phát mới. Mô hình trong bài báo trên Science gợi ý rằng, cả khi chặn tới 90% chuyến du lịch, thì tốc độ virus lan truyền chỉ chậm lại ở mức độ vừa phải, trừ khi có thêm các biện pháp khác được đưa ra.

Vì các lệnh cấm đi lại chỉ có thể làm chậm sự lây lan của dịch bệnh, nên điều quan trọng là các lệnh cấm được thực hiện theo cách khuyến khích động viên. Justin Lessler, nhà dịch tễ học tại Đại học Johns Hopkins ở Baltimore đưa ra khuyến nghị “nếu khiến mọi người nói dối hoặc cố gắng phá vỡ lệnh cấm, thì sẽ thất bại”.

Hàng chục quốc gia trên khắp châu Âu, châu Mỹ, châu Phi và châu Á hiện đã hạn chế đi lại. Mặc dù WHO cũng có cảnh báo rằng không phải điều đó lúc nào cũng hiệu quả và có thể làm chệch các nguồn lực cho các biện pháp hữu ích khác hoặc chặn viện trợ và hỗ trợ kỹ thuật, chưa kể tới việc làm thiệt hại cho nhiều ngành công nghiệp.

Bài học nào cho các nước khác?

Mô hình của Lai Shengjie và Andrew Tatem, đánh giá hiệu quả tổng thể của việc phát hiện và cách ly sớm, hạn chế tiếp xúc của người dân và lệnh cấm đi lại giúp làm giảm lây lan virus ở Trung Quốc. Các biện pháp này phối hợp với nhau, đã giúp giảm việc gia tăng các trường hợp nhiễm mới tới 67 lần [so với việc không áp dụng] – tức là nếu không áp dụng thì đã có gần 8 triệu ca nhiễm vào cuối tháng Hai.

Việc giảm tiếp xúc của người dân có vai trò rất quan trọng. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu về vị trí của điện thoại từ di động ở Trung Quốc và thấy di chuyển của người dân giảm đáng kể và điều đó hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp với nhau – nếu không thì số ca nhiễm bệnh đã tăng 2,6 lần vào cuối tháng Hai, hai tác giả nghiên cứu cho biết.

Phát hiện sớm và cách ly là yếu tố quan trọng nhất trong việc giảm các trường hợp nhiễm COVID-19 mới. Nếu không có những nỗ lực đó, số lượng người Trung Quốc bị nhiễm bệnh đã tăng nhiều gấp năm lần vào cuối tháng Hai vừa qua. “Nếu muốn tìm giải pháp ưu tiên, thì phát hiện sớm và cách ly là điều quan trọng nhất”, Tatem nói.

Phát hiện sớm đã giúp ích rất nhiều cho Singapore. Vernon Lee, người đứng đầu nhóm nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế Singapore cho biết, Singapore là một trong những nước phát hiện các trường hợp một cách nhanh nhất. Khi các trường hợp “viêm phổi lạ” xuất hiện ở Singapore, các bác sĩ đã kịp thời xác định, cách ly những người đó và bắt đầu truy tìm dấu vết liên lạc, Lee Vernon cho biết. Singapore có chưa tới 250 trường hợp COVID-19, và không cần phải đưa ra các biện pháp hạn chế di chuyển quyết liệt như ở Trung Quốc. “Một số sự kiện đã bị hủy, những người mắc COVID-19 đang bị cách ly, theo dõi nhiệt độ và các biện pháp cộng đồng khác được đưa ra. Nhưng cuộc sống vẫn đang diễn ra bình thường”, Lee nói.

Còn việc đóng cửa trường học ở Trung Quốc có tác động như thế nào thì các đánh giá chưa cho thấy rõ. Một bản thảo nghiên cứu của nhóm Qifang Bi (Johns Hopkins Bloomberg School of Public Health) về sự lây lan của COVID-19 ở Thâm Quyến đã phát hiện ra rằng mặc dù trẻ em cũng có khả năng bị nhiễm bệnh như người lớn và nhiều trẻ không có biểu hiện triệu chứng, nhưng vẫn chưa rõ liệu trẻ em có thể truyền virus không. “Đây là điều rất quan trọng trong việc đánh giá tác động của việc đóng cửa trường học”, Lessler, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết.

Nguồn bài gốc: https://www.nature.com/articles/d41586-020-00741-x#ref-CR4
doi: 10.1038 / d41586-020-00741-x
Phương Hoa dịch/Khoa học và phát triển

Tác giả