Người Neanderthal, Denisovan và có thể cả Homo Sapien đã cùng sống chung?

Người Neanderthal và Denisovan đã từng cùng sống trong một hang động ở Siberia cách đây 300.000 năm. Và có thể cả Homo Sapien cũng cùng ở đây.


Các nhà khoa học nghiên cứu tại hang Denisova. Ảnh: Nature.

Các nhà khảo cổ học Liên xô cũ đã bắt đầu vén màn câu chuyện về hang Denisova dưới chân dãy Altai của Siberia vào những năm 1980. Kể từ đó, các nhà khoa học đã tìm thấy di cốt của nhiều người cổ tại đây và hang Denisova trở nên nổi tiếng toàn thế giới khi các nhà khoa học chứng minh được rằng, các di cốt đó thuộc về một dân cư cổ đại không phải người Neanderthal hay Homo sapien, mà sau đó đã được đặt tên là người Denisovan. Kết quả giải trình tự gene cho thấy, người Denisovan là một nhánh có họ hàng với người Neanderthal và có thể đã từng di chuyển, sinh sống ở khắp châu Á và có thể để lại yếu tố di truyền cho con người hiện đại ngày nay ở các khu vực đó. 

Tuy nhiên, trước đây, các nhà khoa học chưa có nhiều dữ liệu để khẳng định mức độ tương tác giữa người Denisova và Neanderthal trong quá khứ. Chỉ cho đến gần đây, những công bố mới trên Nature cho thấy, hai chủng người này đã sống bên nhau trong khoảng thời gian lên tới hàng chục nghìn năm. Các nghiên cứu này phân tích phân tích di vật còn sót lại cũng như trầm tích ở trong hang Denisova, từ đó cung cấp được bức tranh lịch sử chi tiết đầu tiên về mối quan hệ giữa các chủng người cổ đại ở đây. “Giờ đây chúng tôi có thể kể với các bạn toàn bộ câu chuyện rồi”, Zenobia Jacobs, nhà địa lý học tại Đại học Wollongong, Australia, người đứng đầu một trong hai công bố nói. 

Những phát hiện đầu tiên cho thấy, có người cổ đại đã làm chủ hang này – với các công cụ đá có niên đại lên tới 300.000 năm cách ngày nay, nhưng các nhà nghiên cứu vẫn không trả lời được câu hỏi chính xác “liệu người Denisovan hay Neanderthal đã tạo ra chúng?”. Một phát hiện đáng chú ý là đã xác định được di cốt là con lai đầu tiên giữa người Denisovan và người Neanderthal – được đặt tên là Deny – trong hang này vào năm ngoái. Việc tìm ra và xác định di cốt của Denny là con lai giữa người Denisovan và người Neanderthal rất quan trọng, ít nhất, nó khẳng định chắc chắn tại một thời điểm, hai nhóm người này phải sống gần nhau. Tuy nhiên, ngoài việc xác định được niên đại của Denny, các nhà nghiên cứu cũng không rõ, khi họ đã có mối tương tác với nhau, thì chính xác họ sống cạnh nhau ở những thời điểm nào hoặc thậm chí họ có cùng sống trong hang Denisova không. 

Các lớp thời gian phát hiện hiện vật, công cụ tại hang Denisova. Biểu đồ: Nature

Mặt khác, các nhà nghiên cứu đặt giả thiết là Homo Sapien cũng có thể sống trong hang này. Trong hang cũng còn sót lại trang sức bằng xương, công cụ lao động – những hiện vật tương tự như của những người Homo sapien đầu tiên có mặt ở châu Âu – ở trong những lớp đất đá có niên đại khoảng 49.000 năm đến 43.000 năm cách ngày nay trong hang. Đây là những kết quả trong bài báo đã xuất bản trên Nature của nhà khảo cổ học Katerina Douka ở Viện Max Planck về Lịch sử loài người ở Đức và Tom Higham ở Đại học Oxford, Anh.
Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy xương của một hominin (tông người) trong hang có niên đại vào khoảng 46.000 đến 50.000 năm cách ngày nay nhưng chưa thể xác định ADN của nó thuộc về loài nào. 

Chưa có một di cốt nào khác của người Homo sapien còn lại của thời kỳ này – giai đoạn sơ kỳ của thời đại đồ đá cũ, được phát hiện trong hang Denisova hoặc khu vực rộng hơn là dãy Altai. Vì lý do này, các nhà khoa học Nga đã khai quật tại khu vực này cho rằng chính người Denisova là tác giả của những công cụ tinh vi hơn những công cụ của thời đồ đá cũ trong cùng khu vực. Nhưng Tom Higham muốn nghiên cứu thêm các bằng chứng khác trước khi kết luận bất kỳ nhóm nào là chủ nhân của những công cụ đó. 

Bảo Như lược dịch
https://www.nature.com/articles/d41586-019-00353-0

 

Tác giả