Nobel kinh tế 2021: Thí nghiệm tự nhiên giúp trả lời những câu hỏi quan trọng của xã hội

Một nửa giải Nobel kinh tế năm nay được trao cho David Card vì những đóng góp thực nghiệm cho kinh tế lao động, một nửa giải còn lại được trao cho Joshua Angrist và Guido Imbens vì đóng góp của họ vào việc phát triển phương pháp luận phân tích các mối quan hệ nhân quả dựa vào “thí nghiệm tự nhiên”.

Cách tiếp cận của ba nhà khoa học đã trở thành nền tảng, tạo ảnh hưởng rộng rãi sang các lĩnh vực khác và cách mạng hóa nghiên cứu thực nghiệm.


Từ trái sang: David Card, Joshua D. Angrist, Guido W. Imbens.

Nhiều câu hỏi lớn trong khoa học xã hội cần phải trả lời bằng việc chỉ ra mối quan hệ nhân – quả. Di cư ảnh hưởng đến mức lương và việc làm ở nơi đến như thế nào? Học vấn ảnh hưởng như thế nào đến thu nhập trong tương lai của một người? Những câu hỏi này rất quan trọng đối với việc đưa ra các khuyến nghị chính sách cho các nhà quản lý nhưng rất khó trả lời chính xác vì chúng ta không có được nhóm đối chứng hoàn hảo như trong nghiên cứu thí nghiệm. Chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra nếu có ít người nhập cư hơn hoặc một người không tiếp tục học.

Từ những năm 1980, David Card chỉ ra rằng có thể trả lời những câu hỏi đó và những câu hỏi tương tự bằng thí nghiệm tự nhiên (natural experiments) là một đóng góp nền tảng trong nghiên cứu kinh tế học để giải quyết các vấn đề xã hội: giáo dục, lao động nhập cư, bất bình đẳng. David Card sử dụng phương pháp thực nghiệm để phân tích các tác động của mức lương tối thiểu, người nhập cư và giáo dục đến thị trường lao động để đưa ra các phân tích mới. Ví dụ ông chứng minh bằng thực nghiệm cho các tranh cãi về việc tăng lương tối thiểu có dẫn tới hệ quả là giảm việc làm hay không, cũng như vai trò của lao động nhập cư. Hoặc là nhờ các chứng minh quan hệ nhân quả đó bằng thực nghiệm mà chúng ta nhận thấy rằng các nguồn lực cho giáo dục quan trọng với việc tham gia thị trường lao động sau này lớn hơn so với những gì chúng ta nghĩ trước đây.

Thực ra để đánh giá tác động với các dữ liệu thực nghiệm là rất khó. Ví dụ, việc kéo dài thời gian giáo dục bắt buộc thêm một năm đối với một nhóm học sinh này (chứ không phải nhóm học sinh khác) sẽ không ảnh hưởng đến tất cả mọi học sinh theo cùng một cách. Dù sao đi nữa, một số học sinh vẫn tiếp tục học tập và đối với họ, giá trị của giáo dục thường không mang tính đại diện cho toàn bộ nhóm. Vậy có thể rút ra kết luận nào về tác dụng của một năm học thêm ở trường? Vào giữa những năm 1990, Joshua Angrist và Guido Imbens đã phát triển thêm các phương pháp ước lượng trong kinh tế lượng, nhấn mạnh tính nhân quả của nó, làm sáng tỏ về ước lượng biến công cụ (instrumental variable) trong đánh giá tác động của các nhân tố và chính sách trong kinh tế. 

“Các nghiên cứu của Card về các câu hỏi cốt lõi đối với xã hội, còn những đóng góp về phương pháp luận của Angrist và Imbens đã chỉ ra rằng các thí nghiệm tự nhiên là một nguồn kiến thức phong phú. Nghiên cứu của họ đã cải thiện đáng kể khả năng của chúng ta trong việc trả lời các câu hỏi quan trọng về nhân quả, mang lại lợi ích to lớn cho xã hội”, Peter Fredriksson, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Kinh tế cho biết.  

David Card sinh năm 1956 tại Guelph, Canada. Ông lấy bằng tiến sĩ năm 1983 tại đại học Princeton Đại học và hiện nay là giáo sư kinh tế học tại Đại học California, Berkeley, Hoa Kỳ.
Joshua D. Angrist sinh năm 1960 tại Columbus, Ohio, Hoa Kỳ. Ông lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Princeton và hiện nay là giáo sư kinh tế học tại Viện Công nghệ Massachusetts, Cambridge, Hoa Kỳ.
Guido W. Imbens sinh năm 1963 tại Hà Lan. Ông lấy bằng tiến sĩ năm 1991 tại Đại học Brown, Providence và là giáo sư kinh tế lượng tại Đại học Stanford, Hoa Kỳ.

Bảo Như dịch

TS Nguyễn Việt Cường hiệu đính

Nguồn bài và ảnh: https://www.nobelprize.org/prizes/economic-sciences/2021/press-release/

Tác giả