PGS. TS Ngô Đức Thành: Ngược dòng xu hướng

Làm việc trong một lĩnh vực chưa từng có quá khứ lẫy lừng như ngành Toán và cũng như chưa bao giờ là ngành “hot” ở Việt Nam nhưng dường như PGS. TS Ngô Đức Thành (trường Đại học KH&CN Hà Nội, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) chưa bao giờ băn khoăn về con đường mà mình đã lựa chọn. Ngay cả khi nhiều đồng nghiệp đã chuyển sang làm quản lý và không còn nhiều thời gian cho nghiên cứu nữa, anh vẫn bình thản chuyên tâm, qua đó định vị cho mình một chỗ đứng riêng biệt.


PGS. TS Ngô Đức Thành. Ảnh: Mỹ Hạnh

Thoạt nhìn, câu chuyện về một nhà khoa học bền bỉ đi theo định hướng nghiên cứu của mình chẳng có gì lạ và hiếm bởi đó là lẽ đương nhiên và là phẩm chất cần thiết của một người muốn làm tốt công việc. Thế nhưng phải đặt trường hợp của PGS. TS Ngô Đức Thành vào bối cảnh hiện tại của ngành khí tượng/khí hậu Việt Nam, nơi đang ngày một chứng kiến sự thiếu hụt của nguồn nhân lực đầu vào trong khi mai một dần số người làm nghiên cứu, người ta mới thấy sự kiên trì với nghề của anh thật đáng quý. “Anh ấy là một người làm khoa học rất rất nghiêm túc, luôn luôn đề cao tính minh bạch trong nghiên cứu và tôn trọng sự khác biệt”, giáo sư Phan Văn Tân (Khoa Khí tượng, Thủy văn và Hải dương học, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN) – một người thầy và đồng nghiệp lâu năm của PGS. TS Ngô Đức Thành, trìu mến nói về người cộng sự đặc biệt của mình.

 

Không chấp nhận sự lưng chừng

 

Có lẽ, chính sự nghiêm túc trong khoa học là điều mà PGS. TS Ngô Đức Thành luôn giữ cho mình, bất cứ ở hoàn cảnh nào. “Không dễ để làm được một cái gì đấy có ý nghĩa”, câu nói của anh với Tia Sáng vào năm 2018 khi đề cập đến một hiện trạng trong nghiên cứu khí tượng/khí hậu ở Việt Nam: ít có công bố quốc tế bởi nghiên cứu về khí tượng/khí hậu không chỉ là một ngành có sự giao thoa kiến thức của nhiều ngành khác như vật lý khí quyển, toán học, khoa học máy tính…, mà còn mang đặc trưng của một lĩnh vực mở – “bài toán biến đổi khí hậu không biên giới, ngồi ở chỗ nào cũng có thể làm nghiên cứu được”, theo nhận xét của giáo sư Phan Văn Tân – nên có được công bố quốc tế lại có những thách thức riêng. “Ví dụ khi nghiên cứu biến đổi khí hậu, ta có thể thấy số lượng bão dường như giảm nhưng cường độ bão tăng trên biển Tây Bắc Thái Bình Dương. Với nhiều công trình, kết luận như vậy là có thể đăng bài ở một tạp chí trong nước rồi nhưng dừng ở đấy thì không bao giờ anh đăng được ở tạp chí quốc tế tốt cả. Anh cần phải tìm hiểu được cơ chế, thu thập rất nhiều nguồn số liệu khác nhau, và đưa ra được những kết quả mới không trùng lặp với những nghiên cứu trước”, câu bộc bạch về công bố quốc tế vài năm trước đã cho thấy tâm thế rất quyết liệt trong nghiên cứu của PGS. TS Ngô Đức Thành 1.

Câu chuyện làm nghiên cứu về khí tượng/khí hậu ở Việt Nam, hay trong trường hợp của PGS. TS Ngô Đức Thành là nghiên cứu cơ bản về biến đổi khí hậu, bản thân nó đã mang màu sắc quốc tế. Vì thế, nếu không hội nhập về năng lực nghiên cứu thì “những người làm nghiên cứu Việt Nam khó có được bài toán mang tính thời đại và ý nghĩa, ngược lại khi những bài toán biến đổi khí hậu mà chúng ta giải quyết được một cách triệt để thì sẽ đóng góp quan trọng vào hiểu biết khoa học chung của nhân loại và góp phần ứng phó với một trong những vấn đề thách thức nhất của thế kỷ này”, anh nói.

Tuy vậy, để có được tính thời đại và ý nghĩa trong bài toán của mình, ắt hẳn nhà nghiên cứu nào cũng phải cần đến thời gian và sự chuyên tâm. Đôi khi để có được hai yếu tố ấy, họ buộc phải lựa chọn: không chỉ ở lựa chọn theo một nghề có thu nhập không bằng những nghề khác mà còn ở lựa chọn dành thời gian cho quản lý hay chỉ tập trung cho nghiên cứu. Trong “lịch sử” Giải thưởng Tạ Quang Bửu có vài gương mặt như vậy – PGS. TS Nguyễn Sum nộp đơn xin nghỉ làm quản lý để trở lại với vị trí một giảng viên bình thường của Khoa Toán, trường ĐH Quy Nhơn; PGS. TS Phạm Tiến Sơn xin thôi vị trí trưởng Khoa Toán tin trường Đại học Đà Lạt để toàn tâm toàn ý cho nghiên cứu. Hiện tại, nếu xét ở “tiêu chuẩn” này thì người đồng nghiệp trẻ của họ, PGS. TS Ngô Đức Thành, một trong hai ứng cử viên giải chính của giải Tạ Quang Bửu năm nay, đã có thể đứng cạnh các bậc đàn anh của mình: năm 2018, anh đã xin thôi vị trí Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội để có thể dành toàn bộ quỹ thời gian cho nghiên cứu và giảng dạy.


Hạn hán và xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng ở Việt Nam, vì vậy càng cần thiết có nhiều nghiên cứu về lĩnh vực này. Nguồn: hanoimoi.vn

Qua các chuyện trò với cả ba người, có thể nhận thấy một điểm khá trùng hợp ở họ, đó là họ đều cho rằng lựa chọn này cũng hết sức bình thường, không có gì đáng nói và là việc ắt phải thế khi muốn dành thời gian làm tốt điều mình đam mê. Về phần mình, PGS. TS Ngô Đức Thành chỉ đơn giản cho rằng, đây là lựa chọn mang tính cá nhân trước thực tế là công việc quản lý ngốn rất nhiều thời gian trong khi quỹ thời gian của mỗi người thì hữu hạn. “Thực ra trong hai năm đó, tôi thấy mình không thể chuyên tâm làm tốt được tất cả mọi việc như mong muốn, dù vẫn có thể duy trì được mạch nghiên cứu… Tất nhiên, không thể đạt được mục tiêu như mình kỳ vọng vì đầu óc mình còn phải nghĩ đến những vấn đề khác trong khi làm nghiên cứu thì phải nghĩ rất sâu về một vấn đề và cần phải tĩnh tâm mới trả lời được câu hỏi đặt ra”, anh nói.

Trong ngành khí tượng/khí hậu Việt Nam, số người chuyên tâm vào nghiên cứu như vậy không nhiều, nếu xét trên tiêu chí công bố quốc tế. Do vậy nếu mô hình hóa sự phát triển của ngành hiện nay, người ta sẽ thấy rõ hai luồng chuyển dịch, một là dòng những nhà nghiên cứu nhanh chóng chuyển sang giữ những vị trí quản lý nhà nước, hai là dòng những nhà nghiên cứu chấp nhận bằng lòng với các bài báo chưa theo chuẩn mực quốc tế. Việc bình thản ngược dòng xu hướng và coi đó là lẽ tất yếu của một người làm nghiên cứu rút cục đã góp phần định vị một chỗ đứng cho PGS.TS. Ngô Đức Thành trong cộng đồng nghiên cứu biến đổi khí hậu ở khu vực Đông Nam Á.

Nhưng liệu việc định vị này có thực sự dễ dàng?

 

Tìm Đông Nam Á trong cộng đồng quốc tế

 

Chắc chắn là không, bởi mới bước từ nhà ra ngõ đã thấy gần như chưa có đường đi…

Nếu nhìn lại tình trạng nghiên cứu về biến đổi khí hậu ở Đông Nam Á khoảng bảy, tám năm trước, khu vực này chỉ như một điểm mờ trên bản đồ thế giới. Dù án ngữ một vị trí quan trọng trên vùng biển rộng lớn giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương – một trong những “rốn bão” của thế giới và chứng kiến tác động của biến đổi khí hậu ngày một rõ nét thì Đông Nam Á trong báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) năm 2007 vẫn còn nhiều khoảng trống thông tin. Giải thích về nghịch lý này, PGS. TS Ngô Đức Thành cho biết “Khoảng trống ấy là do nguồn nhân lực nghiên cứu chuyên sâu ở khu vực Đông Nam Á còn ít, thứ nữa là nguồn lực tính toán trong khu vực cũng không đủ để có thể đề xuất ý tưởng và thực hiện những bài toán của khu vực”.

Do đó, công trình về biến đổi khí hậu ở Đông Nam Á chưa nhiều, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Ai cũng chỉ làm một vài bài toán đơn lẻ của quốc gia mình mà chưa có sự kết nối, hợp tác với đồng nghiệp ở quốc gia khác, cho dù biến đổi khí hậu không biên giới. Tình thế này chỉ thực sự thay đổi khi vào năm 2012, các nhà khoa học ở trường ĐH Khoa học Tự nhiên như Phan Văn Tân, Ngô Đức Thành đứng ra tổ chức một hội thảo cho Đông Nam Á tại trường với sự tham gia của các đồng nghiệp năng động trong khu vực. Thời điểm đó đã khởi thủy cho SEACLID/CORDEX-SEA, dự án chung về dự tính biến đổi khí hậu chi tiết cho khu vực mà đến nay quy tụ 18 viện nghiên cứu của các quốc gia trong và ngoài khu vực.

Không đơn thuần là “góp gạo thổi cơm chung”, việc duy trì hợp tác trong dự án là cả nỗ lực của những người tâm huyết, tận dụng những nguồn lực về kinh phí và cơ sở hạ tầng tính toán trong mỗi quốc gia. PGS. TS Ngô Đức Thành nói về ý nghĩa của dự án “Cái lõi của nó là tạo điều kiện cho chúng ta chia sẻ nguồn lực. Chỉ khi chúng ta kết hợp lại được với nhau thì mới có thể thực hiện được bài toán mang tính quy mô hơn”.

Trong khuôn khổ dự án SEACLID/CORDEX-SEA, PGS. TS Ngô Đức Thành đề xuất ý tưởng tìm một thiết kế mô hình mô phỏng và dự tính biến đổi khí hậu cho các yếu tố cực đoan trong tương lai ở khu vực Đông Nam Á. “Trước đây, mô hình toàn cầu dùng cho bài toán biến đổi khí hậu có độ phân giải rất thô cho Đông Nam Á. Để có thông tin chi tiết về Đông Nam Á thì cần thiết kế những thí nghiệm riêng biệt phân giải cao, cho nó chạy ở quy mô khu vực, từ đó mới đưa ra được các phân tích đánh giá cụ thể”, anh lý giải.

Từ ý tưởng này, 18 thí nghiệm mô phỏng khí hậu cho khu vực Đông Nam Á với các cấu hình tham số hóa khác nhau được thiết kế, trong đó bộ tham số phải đủ rộng để xác định được tính bất định của khí hậu nhưng cũng không quá rộng để khỏi vượt quá khung năng lực tính toán trong khu vực. Để đảm bảo được cả hai yếu tố ấy, 18 thí nghiệm với độ phân giải 36km cho giai đoạn 1989-2007 được phân chia cho năm quốc gia, riêng Việt Nam là ba thí nghiệm. Kết quả thu được từ các thí nghiệm đó đã được đánh giá với số liệu từ 52 trạm quan trắc khí tượng trong khu vực. Vậy các nhà khoa học đã thu được gì? “Chúng tôi so sánh để đánh giá sai số hệ thống của các thí nghiệm với quan trắc, sau đó xác định được tính bất định của mô hình và chứng minh được là khi chi tiết hóa đến khu vực Đông Nam Á thì các mô hình đem lại kết quả tốt hơn là dùng mô hình nguyên thủy toàn cầu. Quan trọng hơn, chúng tôi đã đưa ra được một bảng xếp hạng, xác định được thí nghiệm nào phù hợp nhất để từ đó chạy mô hình cho thời gian dài, tiết kiệm đáng kể nguồn lực tính toán cho khu vực. Đây là bước đầu tiên để xác định bộ tham số hóa phù hợp nhằm chạy mô hình khu vực cho thời gian hơn 100 năm để dự tính sự biến đổi khí hậu trong thế kỷ 21”, PGS. TS Ngô Đức Thành cho biết về nghiên cứu mà anh đóng vai trò chính: đồng thiết kế thí nghiệm, điều phối thực hiện, phân tích kết quả và viết bài.

Tất cả nội dung đó đã được anh và cộng sự đưa vào bài báo “Performance evaluation of RegCM4 in simulating extreme rainfall and temperature indices over the CORDEX-Southeast Asia region” (Đánh giá hiệu suất của mô hình RegCM4 trong mô phỏng các chỉ số cực đoan của lượng mưa và nhiệt độ trên khu vực CORDEX-Đông Nam Á) trên International Journal of Climatology, một trong những tạp chí hàng đầu ngành khí hậu học 2. “Mặc dù trước đó nhóm nghiên cứu đã có bài đầu tiên do một đồng nghiệp Malaysia là tác giả chính nhưng bài báo này mới thực sự là một điểm nhấn cho tham khảo về nghiên cứu biến đổi khí hậu ở khu vực Đông Nam Á”, giáo sư Phan Văn Tân nhận xét.


Những nghiên cứu về biến đổi khí hậu ở Việt Nam và Đông Nam Á sẽ là cơ sở để hoạch định chính sách ứng phó trong tương lai. Nguồn: dangcongsan.vn

Đó là lý do vì sao mà kể từ thời điểm xuất bản vào năm 2017, đến nay bài báo này đã trở thành công trình được trích dẫn nhiều nhất của dự án với 58 lần. Không chỉ có vậy, kết quả của nó còn dẫn đến nhiều kết quả nghiên cứu khác về kịch bản biến đổi khí hậu trong tương lai trên khu vực từ dự án CORDEX-SEA (trong đó có hơn 15 công trình do PGS. TS. Ngô Đức Thành làm tác giả hoặc đồng tác giả). Sự “nở hoa” của các nghiên cứu biến đổi khí hậu trong khu vực sau một thời gian dài vắng bóng mang một ý nghĩa đặc biệt mà theo PGS. TS Ngô Đức Thành “nét đặc biệt là ở chỗ, trước đây các nghiên cứu quy mô thường ít nhiều dựa vào nguồn lực bên ngoài còn giờ nó là bài toán thực sự của khu vực và do khu vực thực hiện”. Trong bối cảnh không biên giới của biến đổi khí hậu, việc khu trú nguồn lực như vậy có phải là một cách làm hay? “Chúng tôi vẫn luôn trao đổi và hợp tác phát triển các nghiên cứu với các nhà nghiên cứu cả trong và ngoài khu vực. Minh chứng là CORDEX-SEA hiện có sự tham gia của 18 viện nghiên cứu thuộc 14 quốc gia, trong đó có bảy quốc gia ngoài Đông Nam Á. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng cộng đồng nghiên cứu trong khu vực có ưu điểm là những người hiểu rõ nhất bài toán mà họ cần thực hiện, hiểu rõ về cơ chế khí hậu, hoặc nhu cầu sử dụng nguồn số liệu, kết quả đầu ra từ mô hình để phục vụ các bài toán khác trên khu vực, ví dụ như các bài toán đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến nông nghiệp, đến thu nhập, đến bất bình đẳng trong xã hội…”.

Việc tham gia vào quá trình thành lập và duy trì một cộng đồng nghiên cứu biến đổi khí hậu của PGS. TS Ngô Đức Thành gắn liền với quá trình gần bốn năm cho một ý tưởng nghiên cứu tới lúc xuất bản. Kết quả của nó đem lại một cách thức mới để PGS. TS Ngô Đức Thành có thể bắt đầu góp phần vào việc định vị thông tin về khu vực Đông Nam Á trong nghiên cứu biến đổi khí hậu toàn cầu, hơn nữa bổ sung thông tin vào báo cáo lần thứ sáu của IPCC, dự kiến sẽ công bố trong năm nay.

Nhưng thành quả này không phải là một hành trình một chiều. Khi ai đó đã lao tâm khổ tứ về một việc thì nhất định ở một điểm đến nào đó sẽ được hưởng một “hàm thưởng” bất ngờ. Với PGS. TS Ngô Đức Thành, dẫu có thể dự đoán được khả năng bài báo được đón nhận thông qua số lần trích dẫn nhưng anh cũng không nghĩ đến khả năng định vị được chính mình trong cộng đồng nghiên cứu biến đổi khí hậu quốc tế, thông qua việc được mời tham gia vào ban soạn thảo Báo cáo Đánh giá biến đổi khí hậu của IPCC lần thứ sáu với vai trò là tác giả chính (lead author) của một chương 3.

Ồ đây có phải là cơ hội để thế giới biết đến Đông Nam Á nhiều hơn không? “Trong báo cáo lần này thì số lượng các thông tin, nghiên cứu về khu vực Đông Nam Á sẽ tăng lên nhiều so với những báo cáo trước. Tuy nhiên, nguyên nhân tăng không phải là do IPCC ‘ưu ái’ Đông Nam Á mà là do số lượng và chất lượng nghiên cứu về biến đổi khí hậu của khu vực đã tăng lên”, anh trả lời.

***

Với một nhà nghiên cứu, được cộng đồng quốc tế ghi nhận như vậy là một vinh dự. Dẫu vậy thì điều PGS. TS Ngô Đức Thành nghĩ không hẳn là thế. Anh đang nghĩ đến những chuyện khác, những chuyện mà anh và giáo sư Phan Văn Tân nhiều lần đề cập tới: Trong tương lai, biến đổi khí hậu sẽ như thế nào, tác động vào đâu? khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ ngập đến đâu? hiện tượng xâm nhập mặn ở đây và các vùng khác sẽ như thế nào? thiên tai bão lũ sẽ thay đổi theo chiều hướng nào?… Việc trả lời được vô vàn câu hỏi đó sẽ góp phần dẫn đến những bài toán quy hoạch mang tính chiến lược cho một vùng, một quốc gia.

Nhưng thật khó khăn để thực hiện được những bài toán dự tính biến đổi khí hậu như vậy, bởi chẳng có phép đột biến nào đưa một cộng đồng chỉ còn lại một số ít những người có năng lực hội nhập trở thành đông đảo chỉ sau một quãng thời gian ngắn ngủi, trong khi những cơ chế tuyển dụng, đầu tư và đãi ngộ đã lạc hậu. “Bản thân các bài toán khí hậu đã là những nan đề trong khi cộng đồng sẵn sàng chiến đấu với nó chưa nhiều. Hiện các nghiên cứu mới chỉ tập trung vào một số cá nhân và một số nhóm nhất định. Vì vậy chỉ khi cộng đồng ấy lớn mạnh lên thì chúng ta mới có thể giải quyết được những bài toán lớn”, anh nói.

Trong khi chưa thể đạt được điều mình mong ước thì người thực tế thường tập trung vào thực hiện những việc mình có thể. Với PGS. TS Ngô Đức Thành, đó chính là kết nối và tối ưu các nguồn lực để làm được điều mà anh diễn đạt thật giản dị “giải các bài toán thời sự của khu vực chứ không lặp lại hoặc làm lại những bài toán mà cộng đồng quốc tế đã làm”. □

——

1. http://tiasang.com.vn/-quan-ly-khoa-hoc/Nhung-khoang-cach-can-duoc-thu-hep-15248

2. https://rmets.onlinelibrary.wiley.com/doi/abs/10.1002/joc.4803

3. https://www.ipcc.ch/authors. Hàng trăm chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực khác nhau có mặt trong báo cáo của IPCC đã đóng góp thời gian và hiểu biết của họ trong vai trò là tác giả chính điều phối (Coordinating Lead Authors) và tác giả chính (Lead Authors) để viết báo cáo. Hàng trăm người khác sẽ tham gia vào soạn thảo những nội dung đóng góp cụ thể với vai trò tác giả đóng góp (Contributing Authors) và nhận xét trong từng chương như các chuyên gia bình duyệt (Expert Reviewers).

Tác giả