PGS Trần Văn Ơn: Cầu nối khoa học với cộng đồng

Học trò ngành dược bảo “từ rừng rú tới hội nghị khoa học, chỗ nào cũng thấy dấu chân thầy phía trước”, còn những chuyên gia giảm nghèo đi cùng anh thì thốt lên “mô hình của anh Ơn không thể nhân rộng được”, bởi lẽ thật khó tìm thấy nhà khoa học nào tranh thủ từng ngày, từng giờ với cộng đồng như anh.


PGS.TS Trần Văn Ơn bên vườn tam thất sau thu hoạch ở Si Ma Cai, Lào Cai. Mặc dù các dược liệu như tam thất hoang, sâm vũ diệp là dược liệu đặc thù ở dãy Hoàng Liên Sơn, có chất lượng nổi trội nhưng hiện nay người dân vẫn chưa thể thoát nghèo dựa vào loại cây này (trong khi đó dược liệu này trên thị trường hầu hết được nhập khẩu từ Trung Quốc).

Nhẫn nại bám cộng đồng

“Mười lăm năm nay, một ba lô và chiếc xe bảy chỗ này, thầy đi khắp các hang cùng ngõ hẻm Tây Bắc, Đông Bắc đấy chị ạ”, Đức, một học trò của phó giáo sư Trần Văn Ơn trên chuyến xe từ Hà Nội đi tới hợp tác xã rượu Bâu ở Bằng Cả, Hoành Bồ (Quảng Ninh), đã giới thiệu một cách hào hứng về người thầy “độc nhất vô nhị” của mình. 
Nếu không đi cùng, quả thực rất khó hình dung những gì mà anh đang làm để hỗ trợ cộng đồng dân tộc thiểu số phát triển các sản phẩm từ đặc sản thế mạnh của địa phương. Nếu lấy xuất phát điểm từ Sa Pa, qua một vòng cung các dãy núi, từ Phanxipăng của Lào Cai đến sống lưng khủng long ở Bình Liêu, cao nguyên đá Đồng Văn, những “học trò từ núi cao” của anh, từ Lý Láo Lở, Nịnh Văn Trắng hay Lý Tà Dèn… đều đang xây dựng những thương hiệu độc đáo từ dược liệu địa phương, từ thuốc tắm cho phụ nữ sau sinh đến “xa xỉ phẩm” như trà hoa vàng. Những người thật thà chất phác, nói tiếng Kinh còn có chút ngọng nghịu, đều chưa học hết lớp 9 này đã trở thành chủ nhiệm hợp tác xã, doanh nghiệp cộng đồng, nơi quy tụ mấy chục, cả trăm hộ gia đình miền núi cùng làm việc. Mỗi người như thế đều mang trong lòng những ước mơ mà ngày trước, họ còn không dám nghĩ tới, như “ông giám đốc” lớp 9 Lý Láo Lở đặt mục tiêu doanh thu 30 – 50 tỉ mỗi năm trong 10 năm tới, Lý Tà Giàng mơ làm vườn bảo tồn dược liệu quý trên “cổng trời” Quản Bạ.

Tập hợp được những người dân nơi này và đưa cho họ cơ hội “làm giàu từ sản vật địa phương” – cụm từ mà người ta thường nhắc đến trong vài năm trở lại đây nhưng chúng tôi chỉ thấm thía giá trị của nó khi cùng phó giáo sư Trần Văn Ơn xuống tận từng hợp tác xã, đó là cả một quá trình kiên trì và nhẫn nại. Có cả ngàn công việc phát sinh trong quá trình gây dựng đó, đôi khi không phải do sản phẩm làm ra chất lượng kém mà từ nguyên nhân tưởng chừng rất vô lý, ví dụ chuyện ở Công ty rượu Bâu Bằng Cả của người Dao Thanh y này, giám đốc lớp bảy muốn bỏ ngang, nợ nhà nước một đống tiền máy móc thiết bị, nhà xưởng… nói chung là “chưa đâu vào đâu” khiến anh phải tức tốc phóng xe tới Hoành Bồ, Quảng Ninh họp lúc 12 rưỡi trưa với trưởng phòng Nông nghiệp huyện, giám đốc công ty, cán bộ kỹ thuật. 

Chính sự nhẫn nại và tận tâm giải quyết từng việc tưởng chừng rất nhỏ và tưởng chừng không liên quan đến ngành học của mình đã đưa phó giáo sư Trần Văn Ơn theo từng “nhất cử nhất động” của hơn hai chục hợp tác xã, bảy doanh nghiệp các dân tộc thiểu số phát triển sản phẩm nông sản và thảo dược mà anh đã tư vấn gây dựng. Không có chuyện dựng lên rồi “đem con bỏ chợ”, đến ngày hôm nay, anh chưa bao giờ ngừng hỗ trợ bất kỳ một đơn vị nào, dù đã lớn hay còn nhỏ, đã phát triển mạnh hay đang “ngắc ngoải”. Bỏ sao được, đi kèm với những cơ sở đó là số phận của hàng trăm con người, nhất là khi mới có khoảng 1/3 phát triển mạnh, có lợi nhuận cao, 1/3 có lợi nhuận ở mức độ “bình bình”, đủ chia lãi với thu nhập ổn định cho các “cổ đông”, số còn lại vẫn phải vật lộn để sống. Mỗi giai đoạn phát triển, người dân đều vướng vấn đề rất khác nhau nên chỉ những người đã có vài chục năm lăn lộn với miền núi, chứng kiến muôn hình vạn trạng những va vấp khác nhau của các hợp tác xã hay doanh nghiệp cộng đồng như anh mới đủ trải nghiệm, đúc rút thành lý thuyết, nguyên tắc để cùng người dân vượt qua. Hơn tất cả những khung phân tích sinh kế bền vững đang được phân tích “đến nát nước” để làm rõ các nguồn vốn của cộng đồng, anh biết rằng, chỉ có những bài học thực tế mới giúp người dân đi qua tất cả những quanh co khúc khuỷu như cung đường “vạn cua lộ” từ Lào Cai sang Hà Giang mà anh đi, bởi “làm gì có khung sinh kế nào, có ai dạy làm cách nào tìm được người phù hợp để đứng đầu hợp tác xã, cách làm hồ sơ thuế hay tiêu chuẩn sản phẩm, sửa từng lỗi dây chuyền ngoài mình đâu”.

“Những ‘điển hình tiên tiến’ được báo chí nói nhiều như Sapanapro của Lý Láo Lở ở Sa Pa, Lào Cai mà mình phát triển cũng có xuất phát điểm như công ty rượu Bâu này, hồi đó còn khó khăn hơn vì chưa có chương trình nào của nhà nước hỗ trợ như Nông thôn mới hay Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) như bây giờ”, anh giải thích. Quãng 15 năm trước, anh nghiên cứu bảo tồn cây thuốc ở Sa Pa và phát hiện ra bài thuốc tắm là một tài sản vô cùng quý giá nhưng không người Dao đỏ nào được hưởng lợi từ nó. Ngay thị trấn Sa Pa, những phòng tắm thuốc đều của người… Kinh từ Hà Nội, Hà Tây (cũ) lên mở còn người Dao đỏ, giàu tri thức mà nghèo vẫn hoàn nghèo. Do đó, điều bật ra trong đầu anh là “tốt nhất để người dân là chủ nhân, phát triển dựa trên tri thức của mình” giống hệt bao nhiêu cuốn sách, khung sinh kế bền vững phân tích về các nguồn nội lực của người dân tộc thiểu số như DFID (cơ quan phát triển Anh), IFAD (Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế) được đưa vào Việt Nam thời bấy giờ. 


Vườn cây thuốc của Lý Tà Dèn (thứ hai từ trái sang), chủ nhiệm hợp tác xã Nậm Đăm trên cổng trời Quản Bạ, Hà Giang. HTX cộng đồng Nậm Đăm có 7 sản phẩm chính đã được Bộ Y tế cấp phép và được ưa chuộng gồm: cao củ dòm; cao atiso; cao bổ tỳ ích não; trà gừng cao nguyên đá; dầu xoa bóp; thuốc đau răng; các sản phẩm tinh dầu… 

Nhưng “nói một câu quá dễ, ý tưởng nghe đơn giản, lúc xắn tay vào làm mới cực kỳ khó”, khâu đầu tiên là nghiên cứu ra sản phẩm, đơn giản hóa bài thuốc hàng trăm vị của người Dao, chọn lấy phần cốt lõi sau đó chuyển nấu thành cao, loại tạp chất để đưa vào sản xuất chưa phải là khó nhất vì anh chỉ cần nghiên cứu cùng hai “nữ tướng” bản địa Chảo Sử Mẩy và Lý Mẩy Chạn. Nhưng bắt đầu từ khâu chuyển giao kết quả nghiên cứu này mới thực sự “đau đầu”, “câu hỏi lớn nhất là tôi nghiên cứu xong rồi thì trả cho ai? Chẳng lẽ trả cho ủy ban xã? hay một cá nhân nào? đây là tri thức của cộng đồng thì các phương án ấy đều không phù hợp. Chia sẻ lợi tức từ tài sản trí tuệ này như thế nào? Mở tất cả các sách ra không chỗ nào nói về tình huống này, một mớ lý thuyết phát triển của Anh, Mỹ không hề phù hợp với mình”, anh kể. Doanh nghiệp cộng đồng của người Dao đỏ Sapanapro được lập ra, anh chuyển giao nghiên cứu và giúp đỡ cách tổ chức sản xuất, Lý Láo Lở làm giám đốc dù chỉ mới học chưa hết trung học cơ sở, từ chỗ chưa từng cầm chứng từ, con dấu, chạy dây chuyền sản xuất đến nay có doanh thu hơn chục tỉ mỗi năm và trở thành gương mặt “quen thuộc” của cộng đồng khởi nghiệp từ vốn bản địa. “Công ty đó cho tôi bài học rất lớn, đó là để trí tuệ cộng đồng ấy không bị mất đi, chỉ có một con đường là để cộng đồng người dân sở hữu chính tài sản của mình, và mình phải cùng họ đứng lên làm chủ vận mệnh”, anh nói. 

Những công việc như thế hút phần lớn quỹ thời gian của anh, đến mức dường như mọi vật dụng của anh đều chiểu theo “hệ quy chiếu vùng cao”. Chiếc xe Mitsubishi 7 chỗ rút cục tiện việc di chuyển bởi gầm cao có thể vượt các khúc cua đường núi dễ dàng, cốp rộng đựng được đủ thứ hầm bà lằng nào lá cây cỏ cho đến hộp to hộp nhỏ những sản phẩm mẫu. Ngay cả lối ăn mặc của anh cũng giản dị, trong Hội nghị tổng kết OCOP gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp do Phó Thủ tướng chủ trì, anh vẫn áo sơ mi cũ, không vest đứng trên bục diễn giả, từ tốn và rành mạch nêu quan điểm của một người “khơi mào” ra chương trình OCOP đầu tiên trong cả nước ở tỉnh Quảng Ninh, đó là: làm sao để “phát triển từ dưới lên”, không áp một mô hình chung cho cả nước bởi bức tranh khó phát triển là chung nhưng đặc sản, đặc thù văn hóa, các nguồn vốn của từng nơi rất khác nhau mà không bài học kinh nghiệm nào giống nhau cả. 

Vì thế, bắt đầu hành trình “di thực” OCOP lên Hà Giang, Bắc Kạn, vào Quảng Nam… có khi đều là các “hợp tác xã không đồng” nhưng anh vẫn cần mẫn viết chương trình riêng cho từng tỉnh, huyện, đánh giá từng đặc điểm của hợp tác xã, vì “mỗi nơi một kiểu không đồng”. Tất nhiên còn nhiều nỗi lo ở đó, “vì tâm lý, thói quen của cán bộ mình là vốn áp chế người dân phải làm cái này cái kia, không tôn trọng sự sáng tạo của người dân. Nhưng bàn tay có ngón dài ngón ngắn, có chỗ làm tốt chỗ chưa tốt, phải kiên trì, mất thời gian sẽ làm được”, anh nói. 

Người con từ rẻo cao

“Tôi sinh ra từ miền núi, từ bé đã chứng kiến mẹ, ông ngoại tìm thuốc chữa bệnh nên khi học dược tôi đã quyết tâm nghiên cứu những bài thuốc từ cây cỏ”, anh kể. Là người Sán Chay đầu tiên của xã Yên Ninh, huyện Phú Lương, Thái Nguyên bước chân vào giảng đường Đại học Dược, xuất thân “không đồng” nhưng dày vốn liếng nhờ “lớn lên cùng cây cỏ, thuộc mặt từng lá thuốc trong rừng” anh đã bước vào con đường nghiên cứu dược liệu. Tận tay, tận mắt thấy những bài thuốc dân gian chữa nhiều bệnh nan y như động kinh, tràn dịch khớp cho đến chăm sóc sản phụ, anh hiểu rằng, kho tàng này là một trong những nguồn vốn quý giá nhất của cộng đồng tộc người, nhưng đang ngày càng lép vế trước thuốc Tây. “Sau này mình học lên mới thấy, trên thế giới có hàng trăm loại thuốc được gọi là thuốc Tây ngày nay thực ra xuất phát từ kinh nghiệm của người dân, từ cộng đồng, ví dụ như caffein từ cây cafe, reserpin từ cây ba gạc. Hà cớ bây giờ ta lại xóa bỏ, lãng quên nó đi”, anh nói.


PGS.TS Trần Văn Ơn (giữa) và Lý Láo Lở (bìa phải) trong cuộc họp tổng kết và chia cổ tức của Sapanapro. Anh cùng cộng đồng thường áp dụng “luật phường săn” để chia lợi tức, tài sản trí tuệ của hợp tác xã cộng đồng.

Là học trò “chân truyền” của giáo sư Trần Công Khánh, một cây đại thụ trong nghiên cứu các cây thuốc dân tộc cổ truyền Việt Nam và xây dựng Dược điển Việt Nam, PGS. Trần Văn Ơn đã phát triển những hướng đi riêng về một số loại dược liệu đặc thù trong nghiên cứu trên cái nền nghiên cứu về thực vật. Tiếp bước thầy, anh góp sức cùng nghiên cứu, chọn lọc hàng trăm bài thuốc dân gian của các dân tộc thiểu số, trở thành một trong hai nhà nghiên cứu hiếm hoi ở Việt Nam chuyên sâu về bảo tồn cây thuốc. Vài năm gần đây, tên tuổi anh lại gắn liền với sản phẩm thuốc từ Dây thìa canh cho người mắc tiểu đường. “Mỗi nhà nghiên cứu dược liệu như mình chắc cả đời chỉ chuyên chú nghiên cứu làm ra thuốc từ một loại cây thôi, bởi gắn với nó là hàng chuỗi công đoạn, từ đánh giá tác dụng sinh học, độ an toàn, tìm dược chất, công bố, thử nghiệm lâm sàng, hơn chục năm mới ra sản phẩm”, anh kể. Nhưng anh hiểu rằng cần cù trong phòng lab, công bố quốc tế, nghiên cứu để bảo tồn nhiều mấy thì vẫn không giải quyết được những gì đang bày ra trước mắt ở nông thôn, miền núi đó là “có tri thức – nhân lực – đất đai – cảnh quan – đa dạng sinh học nhưng không thể biến thành tiền”. Do đó, anh với tay sang một khối ngành gần gũi với nghiên cứu và bảo tồn dược liệu, đó là dân tộc học và phát triển cộng đồng. Anh theo chân thế hệ những nhà sinh học hàng đầu ở Việt Nam thời những năm 1990 như GS Võ Quý, GS Võ Lê Trọng Cúc để làm dự án phát triển cộng đồng, lặn lội khắp các nẻo miền núi, sang các nước tương tự Việt Nam trong khối ASEAN, đi tận châu Phi để thu thập các kinh nghiệm và lý thuyết quốc tế. Cùng với quá trình tích lũy chuyên môn về dược liệu, hành trình “va đập” học hỏi ấy cũng mất tới 10 năm, đem lại cho anh đủ vốn liếng phát triển cộng đồng. 

Cũng nhờ bước ra từ rẻo cao, am hiểu “cách thức sinh hoạt, suy nghĩ, tâm lý, tập tục” nên anh làm việc với cộng đồng dễ dàng, tự nhiên. Bài toán phân chia tài sản trí tuệ ở Sapanapro và các hợp tác xã khác nghe phức tạp, nếu đem luật ra giải thích cả ngày người dân vẫn rất mệt mỏi và căng thẳng nhưng khi anh nói “ta nên làm theo luật phường săn” thì ai cũng hài lòng, bởi cộng đồng nào cũng có cách phân chia lợi tức, thành quả lao động chung theo luật lệ rõ ràng rành mạch, chỉ là không ai biết gọi thành tên theo luật.  

Nhìn lại chặng đường mấy chục năm đó, anh tạm chia ba giai đoạn, mười năm đầu lăn lộn với cây thuốc, mười năm sau bắt đầu hỗ trợ từng hợp tác xã thương mại hóa sản phẩm bản địa, mười năm gần đây tạo thành một mạng lưới OCOP. Còn mười năm tới thì sao? Anh đang ấp ủ một ước mơ biến Việt Nam thành “vườn thảo dược” của thế giới, với các trục văn hóa thảo dược đang dần hình thành như: Trục Văn hóa – thảo dược Hoàng Liên Sơn (Lào Cai), Trục Văn hóa – thảo dược Cao Nguyên Đá (Hà Giang), Trục Văn hóa – thảo dược Việt Bắc (Thái Nguyên – Bắc Kạn – Cao Bằng), Thung lũng dược liệu Ngọa Vân – Yên Tử (Quảng Ninh), Trục Văn hóa – thảo dược Hội An – Trà My (Quảng Nam) và một số vườn cây thuốc đã dần hình thành. Việt Nam cần phải làm và đủ điều kiện để thay đổi vị thế của nước có lợi thế tài nguyên sinh vật và tri thức bản địa nhưng nhập khẩu tới 90% dược liệu.

Nghe quá lớn và quá khó, khó hơn nhiều lần so với việc giúp từng chuỗi đặc sản hay từng tỉnh, huyện làm OCOP. Anh biết vậy và biết chỉ có anh và nhóm đồng sự vỏn vẹn vài chục người là các học trò đi phát triển ở từng địa phương thì không thành hiện thực được, mà cần nhiều người cùng hướng chung một tầm nhìn này. “Thực sự mà nói, đất nước mình không có tầm nhìn chung, mà chỉ quen hô khẩu hiệu chung chung thôi, chứ không hề bắt tay vào đưa ra đích đến cùng các giải pháp thực tế. Nhìn sang ngay Thái Lan thì ta thấy họ có tầm nhìn rất rõ: một là vùng Đông Bắc của Thái Lan sẽ trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe bằng thảo dược và y học truyền thống Thái Lan và massage Thái, thứ hai là Thái Lan sẽ trở thành nước dẫn đầu thế giới về mỹ phẩm thảo dược. Họ nói điều đó từ 20 năm và đang dần trở thành hiện thực”, anh nói. Anh không ngại khó ngại khổ, và đã từng thất bại khi làm vườn dược liệu Ngọa Vân Yên Tử ở Quảng Ninh, lúc đầu 5ha thử nghiệm thì thành công, nhưng đến lúc mở rộng quy mô thành vườn dược liệu vài chục ha thì tỉnh và Bộ Y tế đá quả bóng trách nhiệm và giờ vườn dược liệu thành …vườn rau. Nhưng cũng giống như giúp Sapanapro hay OCOP, sẽ cần một hành trình nhiều năm kiên trì kêu gọi vốn cộng đồng, thúc đẩy mạng lưới từ những người làm dược, doanh nghiệp, chính quyền, người dân. 
Những người đã từng làm việc với PGS.TS Trần Văn Ơn đều không xa lạ gì những chuyến đi nhanh chóng và bụi bặm theo đúng nghĩa đen của anh. Chị Phạm Hoàng Ngân, một mentor “quen mặt” với miền núi, chuyên đi tư vấn thị trường cho các startup nông nghiệp phải thốt lên với chúng tôi “mô hình của anh Ơn là mô hình không nhân rộng được” đến mấy lần. “Chưa thấy ai lăn lộn với cộng đồng như anh ấy” chị nói, không chỉ cần “lòng say mê” mà thực sự là “dũng cảm lắm” mới chia nửa thời gian và cuộc sống cho cộng đồng được như anh. 

Dường như anh sinh ra đã có những phẩm chất vừa vặn để làm công việc này suốt đời. □

 

Tác giả