Nan đề dân tộc, tộc người và tộc danh ở Việt Nam trong giao lưu học thuật quốc tế

Cho đến nay vẫn tồn đọng nhiều vấn đề tưởng như vô cùng đơn giản, có thể giải quyết trong tầm tay, nhưng lại chưa được quan tâm đúng mức nên đã dẫn đến những hệ lụy không nhỏ. Đó là các vấn đề có liên quan đến dân tộc, tộc người và tộc danh. Vấn đề này đã gây ra vô vàn khó khăn cho các nhà nghiên cứu cũng như các nhà quản lý trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, hoạch định chính sánh, hội nhập quốc tế,…

Trong hơn một thế kỷ tiếp thu nền khoa học hàn lâm phương tây, dân tộc học và nhân học ở Việt Nam đã có một chặng đường dài từ các nghiên cứu của các học giả nước ngoài đến một thế hệ học giả trong nước với những thành tựu to lớn mà nhiều nhà khoa học đã đề cập (Lâm Bá Nam 2011; Nguyễn Văn Chính 2007; Phan Hữu Dật 2015…). Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu to lớn đó, cho đến nay vẫn tồn đọng nhiều vấn đề tưởng như vô cùng đơn giản, có thể giải quyết trong tầm tay, nhưng lại chưa được quan tâm đúng mức nên đã dẫn đến những hệ lụy không nhỏ. Đó là các vấn đề có liên quan đến dân tộc, tộc người và tộc danh. Vấn đề này đã gây ra vô vàn khó khăn cho các nhà nghiên cứu cũng như các nhà quản lý trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, hoạch định chính sánh, hội nhập quốc tế,… Nghiên cứu này đề cập đến vấn đề sử dụng thiếu chính xác các thuật ngữ dân tộc, tộc người, tộc danh và những ảnh hưởng của nó đối với vai trò và vị trí của nền khoa học Việt Nam trong bối cảnh giao lưu quốc tế.

Dân tộc

Thuật ngữ dân tộc là một trong những danh từ được dùng phổ biến nhất trên các phương tiện thông tin đại chúng của Việt Nam trong thế kỷ qua như “bảo vệ nền độc lập của dân tộc,” “nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một” (1), dân tộc Thái, dân tộc Mông, dân tộc Kinh (2). Vậy dân tộc (1) và (2) ở đây khác nhau như thế nào? Dễ dàng nhận thấy, dân tộc (1) mang hàm nghĩa của đất nước, quốc gia,… tương đương với nation trong tiếng Anh. Trong khi đó, dân tộc (2) có nghĩa là một nhóm cộng đồng dân cư cùng sắc tộc, ngôn ngữ, văn hóa,… tương đương với ethnie, ethnic group trong tiếng Anh. Hiển nhiên, nation và  ethnic group là hai thuật ngữ mang hàm nghĩa rất khác nhau nhưng ở Việt Nam nó thường được/bị dùng một cách lẫn lộn. Có lẽ vì lý do đó mà các từ điển ở Việt Nam cũng thường có ít nhất hai nghĩa khác biệt cho một mục từ này. Dưới đây chúng tôi xin được dẫn một trong số các từ điển tiếng Việt uy tín nhất hiện nay, đó là  Từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, xuất bản năm 1998 và đã tái bản thêm nhiều lần sau. (Bộ từ điển được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đề tựa và đã được giải thưởng nhà nước)

Theo từ điển trên thì mục từ dân tộc có các nghĩa như sau: 

1-    Cộng đồng người hình thành trong lịch sử có chung một lãnh thổ, các quan hệ kinh tế, một ngôn ngữ văn học và một số đặc trưng văn hóa và tính cách.  Dân tộc Việt Nam, dân tộc Nga.

2-    Tên gọi chung những cộng đồng người cùng chung một ngôn ngữ, lãnh thổ, đời sống kinh tế và văn hóa, hình thành trong lịch sử từ sau bộ lạc. Việt Nam là một nước có nhiều dân tộc. Đoàn kết các dân tộc để cứu nước.

3-    Dân tộc thiểu số (nói tắt). Cán bộ người dân tộc.

4-    Cộng đồng người ổn định làm thành nhân dân một nước, có ý thức về sự thống nhất của mình, gắn bó với nhau bởi quyền lợi chính trị, kinh tế, truyền thống văn hóa và truyền thống đấu tranh chung. Dân tộc Việt Nam. (tác giả bổ sung số trang trích dẫn, và đưa vào thư mục tham khảo)

Như vậy có thể thấy, nghĩa 1 và 4 tương đương với nation trong khi nghĩa 2 và 3 tương đương với ethnic group trong tiếng Anh.

Trong tiếng Hán, thuật ngữ dân tộc (phiên âm: mín zú – 民族 chẳng hạn Trung Hoa dân tộc thủy tổ – 中華民族始祖, hàm nghĩa: tổ tiên dân tộc Trung Hoa). Nghĩa này tương đương với quốc gia – 國家 và  tổ quốc – 祖国 (chẳng hạn ngã đích tổ quốc – 我的祖国, hàm nghĩa: tổ quốc của tôi). Ở đây, chúng ta thấy có sự tương đồng trong cách sử dụng thuật ngữ dân tộc giữa tiếng Hán và Hán Việt trước đây cũng như tiếng Việt hiện nay. Có thể thấy, thuật ngữ dân tộc trong tiếng Hán và tiếng Việt hoàn toàn phù hợp với vai trò của một danh từ chỉ quốc gia, đất nước như dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam hay quốc gia Việt Nam, tổ quốc Việt Nam. Mọi sự rắc rối, phức tạp, thậm chí là nhầm lẫn đều đến từ nghĩa thứ 2 và 3 kể trên, đó là từ dân tộc mang hàm nghĩa các nhóm sắc tộc (với 54 nhóm chính thức ở Việt Nam, tức ethnic group trong tiếng Anh). Vậy chúng ta có nên tiếp tục sử dụng nghĩa thứ 2 và 3 ở trên cho mục từ dân tộc nữa hay không? Dưới đây, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu nguyên nhân và giải pháp đối với vấn đề này.

Tộc người

Trước khi đi tìm lời giải cho vấn đề nêu trên, chúng ta cần làm rõ khái niệm tộc người là gì? Với thuật ngữ ethnic group trong tiếng Anh, chúng ta có thể tìm thấy ngay một thuật ngữ tương đương trong tiếng Hán, đó là  tộc – 族), chẳng hạn Hán tộc – 漢族 là người Hán, Miêu tộc – 苗族 là người Mèo, bên cạnh các nghĩa phổ biến khác liên quan đến vấn đề tộc họ như tông tộc, đồng tộc,… mà chúng ta không bàn ở đây. 1 Khảo sát các nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn đã xuất bản ở Việt Nam trong thế kỷ 20 vừa qua, có thể nhận thấy, thuật ngữ tộc người được sử dụng một cách khá phổ biến trong giới dân tộc học, nhân học ở miền Bắc (ở miền Nam trước 1975 thì gọi là  sắc tộc – và có một Bộ chuyên trách gọi là Bộ Phát triển Sắc tộc của Việt Nam Cộng hòa). Việc sử dụng thuật ngữ tộc người gần như được khẳng định trong giới dân tộc học, nhân học với công trình đồ sộ của một trong những nhà dân tộc học hàng đầu ở Việt Nam, đó là GS. Từ Chi với cuốn sách Góp phần nghiên cứu văn hóa tộc người xuất bản năm 1997. 

Trái với cách dùng của giới khoa học (cụ thể ở đây là các nhà dân tộc học, nhân học), đa số các văn bản hành chính của nhà nước và các cơ quan quản lý lại có xu hướng dùng danh từ dân tộc thay vì tộc người để chỉ các tộc người bao gồm cả đa số và thiểu số ở Việt Nam. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu nhất quán trong việc thể chế hóa các văn bản hành chính và luật pháp. Trong nhiều chương trình giáo dục phổ thông cũng như đại học, việc nhầm lẫn các khái niệm quốc gia và  tộc người cũng xảy ra thường xuyên do học sinh, sinh viên, thậm chí là giảng viên, giáo viên, biên tập viên, phóng viên cũng sử dụng lẫn lộn dân tộc với hàm nghĩa quốc gia và  dân tộc với hàm nghĩa tộc người. 

Tộc danh

Tộc danh là tên gọi của mỗi tộc người. Những tên gọi người Hoa, người Cơtu, người người Thổ, người Chứt,… liên quan đến tộc danh của các tộc người đó. Mặc dù tộc danh chỉ đơn giản là tên gọi của một tộc người nhưng chính cái nhìn quá đơn giản của chúng ta đối với thuật ngữ tộc danh khiến cho nhiều vấn đề vốn đơn giản đã trở nên phức tạp, thậm chí dẫn đến những hệ lụy trầm trọng. Một ví dụ tiêu biểu có liên quan đến tộc danh là vấn đề người Hoa ở Việt Nam. 2 Trên thực tế đây là một trong những cộng đồng tộc người có đóng góp nhiều đối với đời sống kinh tế xã hội của Việt Nam, chỉ sau người Kinh. Năm 2014, khi Trung Quốc gây xung đột ở Biển Đông thì người Hoa ở Tp. Hồ Chí Minh cũng lên tiếng phản đối Trung Quốc. 3

Bỏ qua các vấn đề có liên quan đến chính trị, ở đây chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về người Hoa theo tộc danh. Vậy người Hoa là ai? Theo các bộ từ điển chính ở Việt Nam thì tộc người Hoa (chữ Hán giản thể: 华; phồn thể: 華) là những người di cư từ các khu vực thuộc lãnh thổ Trung Quốc đến định cư ở Việt Nam trong nhiều thế kỷ qua và đa số có quốc tịch Việt Nam. Nhưng Trung Quốc là một quốc gia rộng lớn bao gồm cả lục địa (đại lục) và các vùng đảo bao quanh như Đài Loan, Hải Nam, Hồng Kông,… Về mặt hành chính, Trung Quốc có 56 tộc người trong đó người Hán chiếm đa số, trong đó có cả Kinh tộc (tức người Kinh- Việt Nam). Thuật ngữ Chinese trong tiếng Anh và Trung Hoa trong tiếng Việt thường để chỉ những gì có liên quan đến Trung Quốc như Hoa tộc, Hoa ngữ,… tộc danh người Hoa ở Việt Nam có thể xuất phát từ điểm này. 

Bên cạnh một vài nhóm người Hán di cư đến Việt Nam thì tổ tiên của rất nhiều người Hoa ở Triều Châu, Phúc Kiến, Hải Nam, Đài Loan, Hồng Kông,… không phải người Hán. Rõ ràng, tộc danh người Hoa là một tên gọi dường như quá giản tiện và thiếu khoa học dẫn đến những sự hiểu biết sai lầm về cộng đồng này. Điều này cũng được thể hiện ở tộc danh của một số tộc người khác mà nghiên cứu này sẽ chỉ ra dưới đây.
Trong các nghiên cứu của nhiều học giả nước ngoài giai đoạn đầu khi đến Việt Nam, họ thường gọi người Việt là người An Nam còn các tộc người thiểu số là người Mọi, người Thượng, người Thổ,… Cách gọi này dường như có tính miệt thị đối với sự lạc hậu của cư dân bản địa ở Việt Nam dưới con mắt thực dân. Cách gọi nói trên sau này được sử dụng chính thức ở một số tộc người như người Thổ. Một số nhóm có ngôn ngữ và văn hóa hoàn toàn khác nhau như người Giẻ và người Triêng lại được ghép với nhau để tạo thành tên của một tộc người Giẻ – Triêng, trong khi nhóm người Chứt và người Rục có thể cùng một nhóm (thuộc nhóm ngôn ngữ Việt – Mường) nhưng lại được định danh bằng những cái tên khác nhau. Việc làm rõ tên gọi và thành phần của các tộc danh như Chứt, Rục, Sách, A rem, Mày, Mã liềng,… ở Việt Nam là vô cùng cần thiết để có thể tiến hành các chính sách tộc người cụ thể. 

Năm 2007, khi tiến hành một nghiên cứu về người Bru-Vân Kiều ở Đăklăc cùng GS. Gabor Vargyas (ĐH Pecs), chúng tôi có đến một làng người Bru-Vân Kiều. Tuy nhiên, khi trao đổi với người dân tại làng này, họ nói rằng họ không phải người Bru-Vân Kiều mà là người Ka-đô (Kado) nhưng nhà nước đã xếp họ vào cùng với tộc người Bru-Vân Kiều. Họ muốn được thực sự là người Ka-đô chứ không muốn mượn tộc danh của Bru-Vân Kiều. Về ngôn ngữ họ nói tiếng Bru nhưng về văn hóa lại có nhiều nét tương đồng với người Cơtu (một tộc người thuộc nhóm Cơtu- Bru-Vân Kiều và Tà Ôi). Có thể nói, việc đặt tên các tộc người và việc sử dụng tộc danh của các nhóm tộc người hiện nay vẫn còn rất nhiều bất cập. Điều này cần đến sự phân loại của các nhà dân tộc học, nhân học một cách thực sự khoa học. Có như vậy thì các chính sách dân tộc (mà gọi đúng ra là  chính sách tộc người) mới thực sự đạt hiệu quả.

Ngoài việc cần phân loại một cách cụ thể và khoa học đối với tộc danh của các tộc người thì ở Việt Nam hiện nay, hình thức chính tả các tộc danh cũng còn hết sức lộn xộn. Chẳng hạn, người Cơtu là tên chính thức trong danh mục các thành phần dân tộc (tộc người) của nhà nước nhưng lại có nhiều cách viết khác như Cơ Tu, Cà Tu, Katu,… Katu là tên chính thức của các nhà khoa học nước ngoài khi đề cập đến người Cơtu ở Việt Nam. Vì vậy, khi chuyển ngữ từ tiếng Anh sang tiếng Việt hoặc ngược lại, chúng ta thường xuyên phải đánh máy lại từng cái tên trên văn bản. Điều đó không chỉ làm mất nhiều thời gian của nhiều người mà còn tạo nên những sự khó chịu nhất định đối với các học giả nước ngoài. 

Ngoài ra, cách viết tên tộc danh của các tộc người khác nhau ở Việt Nam cũng thiếu sự thống nhất. Chẳng hạn, người Gia Rai có hai âm tiết và viết hoa cả hai trong khi các học giả nước ngoài dùng Jrai, nhiều sinh viên viết là  Giarai, J’rai, thậm chí Giá Rai. Người Chăm được các học giả nước ngoài viết là  Chams hay Campa, trong khi tiếng Việt khi chuyển sang tiếng Anh thường để không có dấu tạo thành Cham. Tương tự, người Thái ở Việt Nam khi dịch sang tiếng Anh bỏ dấu trở thành Thai, trong khi các học giả nước ngoài dùng Tai. Một số người nhầm với Tày vì khi dịch ra tiếng Anh sẽ là  Tay),… Điều này khiến cho việc tra cứu và biên mục hết sức khó khăn vì thiếu thống nhất về tộc danh và luôn tạo ra sự lộn xộn giữa chữ có dấu và không có dấu. Thậm chí, các tên riêng được sử dụng thường xuyên như Việt Nam, Hà Nội hay Hồ Chí Minh khi viết bằng tiếng Anh hiện nay cũng hỗn loạn như: Viet Nam, Vietnam, VN, Vina, Ha Noi, Hanoi, HaNoi, Ho Chi Minh, Hochiminh, HoChiMinh, HCMC, HCMcity,…

***
Nói tóm lại, việc sử dụng lẫn lộn các thuật ngữ dân tộc, sự phân loại chưa chính xác về tộc người và sự thiếu nhất quán về tộc danh hiện nay ở Việt Nam đã khiến cho nền học thuật của Việt Nam và ngôn ngữ tiếng Việt ngày càng trở nên lạc hậu trước sự phát triển vô cùng nhanh chóng của nền học thuật thế giới. Việc chuẩn hóa cũng như quốc tế hóa các thuật ngữ có liên quan đến tộc người và tộc danh như cách làm của Ấn Độ (chẳng hạn họ sử dụng Hindu là danh từ, Hindustan là người Hindu, Hindustani là tiếng Hindu) khiến cho người nước ngoài có thể dễ dàng nắm bắt cho dù đó chỉ là phiên âm Latinh. Điều đó không chỉ giúp nhận diện đặc tính dân tộc hay đặc tính tộc người mà còn khiến cho một nền văn hóa, một ngôn ngữ trở nên chính danh trên trường quốc tế. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu một vị lãnh đạo viết sai tên nước mình khi giao lưu quốc tế?

Thiết nghĩ, đã đến lúc nhà nước cần ban hành một chuẩn mực/quy tắc trong việc sử dụng thuật ngữ dân tộc với hàm nghĩa quốc gia và tộc người một cách riêng biệt trong các văn bản hành chính và luật pháp cho đúng với tính chất và tên gọi của nó. Vấn đề này dường như đã được các nhà khoa học khẳng định nhưng vì chưa được “chính danh hóa” bằng văn bản của nhà nước nên tình trạng nói trên vẫn diễn ra một cách hỗn loạn. Việc sử dụng lẫn lộn giữa dân tộc với hàm nghĩa quốc gia và tộc người không chỉ gây nên tình trạng hỗn loạn về mặt từ ngữ mà nó còn dẫn đến những hệ lụy xấu khi việc chuyển ngữ (trong bối cảnh quốc tế hóa nền khoa học Việt Nam) có thể dẫn đến những sai sót nghiêm trọng giữa khái niệm quốc gia và tộc người. Xa hơn, việc sử dụng chung thuật ngữ dân tộc cho cả quốc gia và tộc người có thể dẫn đến những khó khăn khi xác định tộc danh cho các tộc người ở Việt Nam. (Trần Trọng Dương)


Chú thích: 

[1] Trong một số ngôn ngữ khác ở châu Âu, “thuật ngữ tộc người xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ XIX, ban đầu nó được dùng để chỉ các nhóm tộc người (groupe ethnie), hay đơn vị tộc người (unité Ethnie). Trong Dân tộc học, khi đó Ethnie tương ứng như ethnic, ethnos, ethikum, ethnea,… Cho đến khoảng những năm 1960, thuật ngữ Ethnie mới được sử dụng rộng rãi, kể cả ở Liên Xô (Hiến pháp Liên Xô 1977 dùng Ethnos thay cho bộ tộc, bộ lạc,…). Tuy vậy, trong thực tiễn cũng như khoa học Nation và  Ethnie/Ethnic không thể là một, mà đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.” Theo Trần Bình , “Một số vấn đề về tộc người & dân tộc ở Việt Nam”. Trong trang: http://huc.edu.vn/vi/spct/id43/MOT-SO-VAN-DE–VE-TOC-NGUOI—DAN-TOC-O-VIET-NAM/. Truy cập ngày 15/12/2015

[2] Năm 1979, khi Việt Nam có xung đột với Trung Quốc thì người Hoa ở Việt Nam trở thành nạn nhân bất đắc dĩ bị đuổi về Trung Quốc và bị kỳ thị ở Việt Nam. Một bộ phận “trở về” quê cũ ở Quảng Đông, Phúc Kiến,… nhưng không được thừa nhận (vì tổ tiên của họ đã qua Việt Nam từ nhiều thế kỷ trước và rất nhiều người không phải người Hán). Họ lại tiếp tục phải tiếp tục di cư đến Hồng Kông và các nước phương Tây (nơi có sự hoạt động mạnh mẽ của UNHCR – Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn).

[3] Trung Sơn (2014), Người Hoa ở Tp.HCM phản đối Trung Quốc. http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/nguoi-hoa-o-tp-hcm-phan-doi-trung-quoc-3001104.html. Truy cập ngày 6/6/2014

[4] Nhiều người Việt Nam hiện nay vì tình cảm dân tộc (ethnic sentiment) và căm ghét chủ nghĩa đại Hán (大漢族主義) mà xúc phạm đến người Hoa nói chung (ở Việt Nam cũng như Triều Châu, Phúc Kiến, Hải Nam, Đài Loan, Hồng Kông,…) là khó chấp nhận.

Tài liệu tham khảo

Trần Bình , “Một số vấn đề về tộc người & dân tộc ở Việt Nam”. Trong trang: http://huc.edu.vn/vi/spct/id43/MOT-SO-VAN-DE–VE-TOC-NGUOI—DAN-TOC-O-VIET-NAM/. Truy cập ngày 15/12/2015

Từ Chi (1996), Góp phần nghiên cứu văn hóa tộc người, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội
Nguyễn Văn Chính (2007), “Một thế kỷ dân tộc học Việt Nam và những thách thức trên đường hội nhập,” Tạp chí Văn hóa dân gian 5/2009

Phan Hữu Dật,(1973), Cơ sở dân tộc học, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, H.
Bùi Xuân Đính,(2012), Các tộc người ở Việt Nam (giáo trình dùng cho sinh viên ngành Việt Nam học, văn hóa, du lịch tại các trường đại học, cao đẳng), Nxb Thời đại,

Lê Sỹ Giáo (chủ biên),(2004), Dân tộc học đại cương (tái bản lần thứ tám), Nxb Giáo dục, 

Phan Huy Lê, Vấn đề hình thành dân tộc và chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam (tọa đàm: Vấn đề dân tộc và chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20)

Lâm Bá Nam (2011), Nhân học với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá trong thời kì toàn cầu hoá. Tạp chí Dân tộc học số 1/2011

Trung Sơn (2014), Người Hoa ở Tp.HCM phản đối Trung Quốc. http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/nguoi-hoa-o-tp-hcm-phan-doi-trung-quoc-3001104.html. Truy cập ngày 6/6/2014

Đặng Nghiêm Vạn,(2003), Cộng đồng Quốc gia dân tộc Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia TPHCM, Tp.HCM.

Tác giả